TP.HCM tăng khung giá dịch vụ quản lý chung cư: Số tiền phải tương ứng với chất lượng

Các tiện ích dịch vụ là một ưu điểm nổi bật của chung cư so với nhà mặt đất, nhưng để hưởng những lợi ích này, cư dân cần đóng một khoản phí không nhỏ. Đây cũng là một trong những vấn đề gây tranh chấp, mâu thuẫn nhiều nhất giữa cư dân và các chủ đầu tư.

UBND TP.HCM vừa công bố khung giá dịch vụ quản lý và vận hành nhà chung cư thuộc tài sản công trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 21/10.

Tạo khung giá cơ sở để thiết lập bảng giá dịch vụ

Khung giá này sẽ là cơ sở để các chung cư thương mại tham khảo khi thiết lập bảng giá dịch vụ quản lý và giải quyết các tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ giữa ban quản lý và cư dân.

Khung giá này không áp dụng cho các chung cư cũ chưa được cải tạo hoặc xây dựng lại, các nhà tập thể, hoặc các chung cư đã có thỏa thuận về giá dịch vụ quản lý trong hợp đồng mua bán hoặc thuê. Khung giá được chia thành hai loại: chung cư có thang máy và chung cư không có thang máy.

Đối với chung cư không có thang máy, mức phí dịch vụ tối thiểu là 600 đồng/m²/tháng, tối đa 3.500 đồng/m²/tháng, tính theo diện tích sử dụng. Đối với chung cư có thang máy, mức thu phí tối thiểu là 1.800 đồng/m²/tháng và tối đa là 7.000 đồng/m²/tháng.

Đa số các chung cư ở TP.HCM thỏa thuận phí quản lý giữa cư dân và chủ đầu tư hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ

Khung giá này không bao gồm các dịch vụ gia tăng như bể bơi, internet, sân tennis, truyền hình cáp và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng cùng các phí dịch vụ riêng cho từng hộ dân.

Trước đây, TP.HCM áp dụng Quyết định số 11/2018 để quy định mức phí quản lý, với phí tối thiểu cho nhà không có thang máy là 500 đồng/m²/tháng và tối đa là 3.000 đồng/m²/tháng; nhà có thang máy từ 1.500 đồng/m² đến 6.000 đồng/m²/tháng.

Khung giá mới tăng khoảng 10-15% so với quy định cũ. Dựa trên khung giá mới, chi phí quản lý được tính bằng cách nhân giá dịch vụ quản lý trên mỗi m² sử dụng với diện tích căn hộ hoặc diện tích sử dụng khác.

Hiện nay, đa số các chung cư ở TP.HCM thỏa thuận phí quản lý giữa cư dân và chủ đầu tư hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ, thường thông qua ban quản trị đại diện cư dân để đấu thầu chọn đơn vị quản lý có mức phí và dịch vụ phù hợp.

Theo đó, phí quản lý chung cư tại TP.HCM dao động từ 8.000-30.000 đồng/m²/tháng, với mức cao nhất là 210.000 đồng/m² tại một dự án cao cấp ở quận 1 và thấp nhất khoảng 6.000 đồng/m². Khoản tiền này được người sử dụng căn hộ đóng góp để đơn vị quản lý vận hành có thể duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị thuộc phần sở hữu và sử dụng chung của tòa nhà, cụm chung cư.

Tranh chấp phí dịch vụ quản lý rất phổ biến

Dù biểu phí, mục đích sử dụng đã được quy định rõ ràng, nhưng những tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ vẫn thường xuyên xảy ra giữa người dân và ban quản lý. Đơn cử như sự việc tại chung cư Eco Green SaiGon (quận 7, TP.HCM), cư dân tại đây liên tục có những phản ánh về mức phí quản lý quá cao trong khi chất lượng dịch vụ không đảm bảo.

Anh L.N.T., cư dân sống tại block H của chung cư Eco Green SaiGon, chia sẻ rằng trong quá trình sinh sống, anh luôn thanh toán đầy đủ tiền điện và nước. Tuy nhiên, anh cho rằng mức phí quản lý 15.000 đồng/m² do ban quản lý thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn thu là quá cao, trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng và còn nhiều vấn đề bất cập.

Vì vậy, anh T. đã thay mặt hơn 100 cư dân tại chung cư gửi email đến ban quản lý, yêu cầu tổ chức một buổi đối thoại với cư dân. Ngoài ra, cư dân cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp. Trong thời gian này, một số cư dân tạm ngưng đóng phí quản lý chờ được giải quyết thỏa đáng đã bị ban quản lý cắt nước sinh hoạt.

Nhiều dự án có phí dịch vụ lên tới 30 triệu đồng/tháng

Trước đó, hồi đầu năm 2024, tại dự án chung cư cao cấp Dabaco Park View (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) cũng xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến vấn đề phí dịch vụ. Nhiều dân ở đây cho biết, dù cùng một tòa nhà nhưng lại có 2 loại phí khác nhau 10.000 đồng và 12.000 đồng/m2/tháng, trong khi đó một số tiện ích không đáp ứng đúng cam kết ban đầu.

Gần 100 hộ dân ở chung cư này đã quyết định ngừng đóng phí để yêu cầu giảm phí, nhưng chủ đầu tư lại tiến hành cắt nước, khiến tranh cãi đẩy lên đỉnh điểm.

Một điển hình khác cho những tranh chấp liên quan đến vấn đề này là câu chuyện tại chung cư The Legacy (số 106 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng gây xôn xao dư luận khi cư dân cho rằng mức phí dịch vụ 12.000 đồng/m²/tháng là quá cao, trong khi họ không được hưởng đủ các tiện ích như đã quảng cáo ban đầu.

Trước tình trạng này, cư dân phản đối và không đóng phí, đồng thời yêu cầu giảm mức phí xuống khoảng 6.000 - 8.000 đồng/m²/tháng cho các hạng mục đã hoàn thành. Do hai bên không đạt được thỏa thuận về mức phí, dẫn đến tình trạng có căn hộ đóng phí và có căn hộ không đóng. Đáng chú ý, đơn vị quản lý vận hành đã cắt nước một số hộ, thậm chí ngừng trông giữ phương tiện…

Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, các khoản phí dịch vụ mang lại những tiện ích cạnh tranh mà chỉ chung cư mới có nhưng một số khác cảm thấy các khoản phí hiện tại chưa hợp lý, vì chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với số tiền họ phải chi trả hàng tháng. Do vậy, những tranh chấp liên quan đến vấn đề này khó có thể giải quyết được triệt để.