Trải nghiệm người dùng có còn là vấn đề ưu tiên với các nhà phát triển công nghệ?

Bussiness Insider đưa tin, hiện nay, số lượng quảng cáo trên Facebook, YouTube và Instasgram ngày càng nhiều, liệu đây có phải là chính sách gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho công ty mẹ của các nền tảng này?

Kết quả tìm kiếm trên Google hiện đang chứa nhiều thư rác và nội dung kiếm tiền liên kết chung chung hoặc các liên kết không hữu ích. Thêm nữa, Google đang thử nghiệm sử dụng các câu trả lời do AI tạo ra trong kết quả tìm kiếm, dẫn đến những khuyến nghị “không liên quan”.

Hiện nay, người dùng Instagram sẽ thấy nguồn cấp dữ liệu bị gián đoạn bởi một phần nội dung được đề xuất hoặc một quảng cáo

Instagram cũng vậy, ngay khi mở ứng dụng, người dùng sẽ thấy nguồn cấp dữ liệu bị gián đoạn bởi một phần nội dung được đề xuất hoặc một quảng cáo. Tương tự với Facebook, rất nhiều đề xuất tham gia các nhóm ngẫu nhiên hay những nội dung do AI tạo ra khiến người dùng không thoải mái khi sử dụng.

Một số người nghĩ rằng sự xuống cấp về chất lượng nội dung hiển thị như thế sẽ là vấn đề lớn đối với các công ty chủ quản nhưng trên thực tế các công ty này vẫn đang kiếm được tiền đều đặn.

Cuối tháng 4/2024, Alphabet (công ty mẹ của Google) đã đạt mức doanh thu lợi nhuận vượt kỳ vọng và quyết định chia cổ tức đầu tiên với khoản mua lại cổ phiếu trị giá 70 tỷ USD. Bên cạnh đó, lợi nhuận quý I/2024 của Meta cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh thu quảng cáo đạt 36 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2023.

Lợi nhuận quý I/2024 của Meta cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh thu quảng cáo

Có một lý thuyết cho biết sự khác biệt cơ bản giữa trải nghiệm người dùng và kết quả tài chính của công ty là kết quả của nền kinh tế kiệt quệ - Rot Economy. Theo đó, sự thúc đẩy của các nhà điều hành nhằm biến công ty thành những cỗ máy tăng trưởng doanh thu vô độ với cái giá phải trả là sự hài lòng của người tiêu dùng và chức năng của sản phẩm. Chính tư duy này có thể làm cạn kiệt khả năng đổi mới của thung lũng Silicon và khiến những người bình thường ngày càng thất vọng với những công nghệ hàng ngày.

Một số nghiên cứu cho thấy, các nền tảng lớn thường bỏ qua phản hồi này bởi ngành công nghệ đã bị các nhà quản lý chuyên nghiệp tiếp quản. Hầu hết lãnh đạo của các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon đều bị thống trị bởi những nhà quản trị doanh nghiệp, nhà tư vấn quản lý và làm văn phòng chứ không phải những người tập trung và biết cách xây dựng sản phẩm.

Trước kia, các nhà phát triển công nghệ thống trị những năm đầu ở thung lũng Silicon. Chẳng hạn như Apple và và Hewlett Packard thực sự được xây dựng từ trong gara hay Adobe được thành lập bởi hai nhà khoa học máy tính. Hiện tại, cả HP và Adobe đều có CEO sở hữu bằng MBA và dường như cả hai công ty đang tập trung vào việc tạo ra giá trị cho cổ đông hơn là sự đổi mới trong sản phẩm.

Một vài năm trở lại đây, truyền thống tăng trưởng thông qua phát triển sản phẩm được thay thế bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bằng cách thay đổi phương thức trình bày thông tin, khiến người dùng phải thực hiện mọi việc và dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng.

Với Instagram, người sáng lập gồm Kevin Systrom và Mike Krieger đều là lập trình viên được hứa giữ quyền tự chủ khi Facebook mua lại công ty. Tuy nhiên, vào năm 2018, họ nhận thấy mình đang bị quản lý bởi một ông chủ mới là Adam Mosseri – cựu phó chủ tịch News Feed của Facebook. Adam Mosseri vốn là một nhà thiết kế và dành phần lớn thời gian làm người quản lý dự án.

Do đó, Kevin Systrom và Mike Krieger đã xung đột với Mosseri và Mark Zuckerberg về việc Facebook xâm phạm tính độc lập của Instagram khiến học phải rời đi. Từ đó, nền tảng này dần đi xuống và trở nên phức tạp hơn về mặt thuật toán khi buộc người dùng phải xem vô số video được đề xuất.

Thực tế, Mosseri vốn dĩ không phải là nhà công nghệ hay nhà phát triển nên suy nghĩ muốn kiếm tiền cho công ty luôn là thay đổi sản phẩm để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn thay vì hữu ích hơn.

Nhiều người băn khoăn về khả năng đổi mới của Thung lũng Silicon trong tương lai

Ở thung lũng Silicon, mô hình thay thế những người định hướng sản phẩm bằng những người quản lý đã được lặp lại. Thậm chí, ngay cả khi các giám đốc điều hành am hiểu công nghệ trên danh nghĩa nắm quyền điều hành các nền tảng lớn thì tư duy tư vấn quản lý, tăng trưởng bằng mọi giá dường như vẫn bị ảnh hưởng.

Sự khác biệt cơ bản là người xây dựng sẽ tập trung vào giải pháp còn người quản lý sẽ tập trung vào số liệu. Theo đó, tư duy của nhà tư vấn quản lý được hình thành từ những gì có thể rút ra từ công nghệ.

Một ngành công nghệ phát triển và ngày càng trở nên tốt hơn khi ở đó có các giám đốc điều hành mặc định được lựa chọn kỹ sư và sự thành công không chỉ đến từ khả năng phát triển hàng quý của công ty mà còn là khả năng cải thiện cuộc sống của khách hàng.

Giờ đây, điều có thể cứu các công ty công nghệ như Meta hay Alphabet là trả lại ngành công nghệ cho những người thực sự xây dựng công nghệ nhằm giải quyết vấn đề. Mục tiêu là tạo lập một thị trường bền vững, có ý nghĩa dựa trên nhu cầu khách hàng chứ không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng cho doanh nghiệp.