Trung Quốc báo động tình trạng quá tải tài xế công nghệ

Cơ quan quản lý giao thông vận tải thành phố Cảnh Đức Trấn – Trung Quốc mới đây đã phải lên tiếng về “năng lực của thị trường gọi xe trực tuyến đang trở nên bão hòa”. Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác trên đất nước tỉ dân này.

Theo South Morning China Post, chính quyền các thành phố trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm qua đã liên tục khuyến khích những công dân thất nghiệp của họ trở thành tài xế công nghệ. Điều này càng được thúc đẩy trong bối cảnh thị trường việc làm đang trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua đã của lĩnh vực này buộc các cơ quan chức năng nước này phải suy nghĩ lại. 

Cảnh báo mới nhất đến từ chính quyền thành phố Cảnh Đức Trấn – nơi được mệnh danh là trung tâm gốm sứ ở phía đông nam tỉnh Giang Tây. Cơ quan giao thông vận tải thành phố hôm thứ Hai cho biết “số lượng ô tô cá nhân trong thành phố đã tăng lên trong những năm qua và năng lực của thị trường gọi xe trực tuyến đang trở nên bão hòa”. Đơn vị này nhấn mạnh với người dân: “Hãy thận trọng khi tham gia vào ngành công nghiệp gọi xe trực tuyến”.

Ứng dụng gọi xe Didi trên điện thoại thông minh được bố trí tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Theo thống kê của cơ quan này, hiện tại một tài xế địa phương kiếm được trung bình 240 nhân dân tệ (33,2 USD) mỗi ngày cho 15 chuyến đi, chưa trừ phí hoa hồng cho công ty và thuế cần phải được khấu trừ. Để so sánh, thu nhập trung bình hàng ngày của người dân ở Cảnh Đức Trấn là 135 nhân dân tệ vào năm 2023. Với mức thu nhập như kể trên, dường như các tài xế công nghệ đang có thu nhập tốt hơn so với trung bình. Đây chính là điểm hấp dẫn khiến nhiều người đang đổ xô vào tìm kiếm việc làm tại các công ty taxi công nghệ.

Thực tế, đã có những cảnh báo tương tự từ ít nhất 5 thành phố khác kể từ tháng Tư. Tuần trước, Phủ Điền – một thị trấn ở phía đông nam tỉnh Phúc Kiến và thành phố Thương Khâu ở miền trung tỉnh Hà Nam đều cho biết, số lượng xe gọi xe đang “trở nên bão hòa”.

Chính quyền thành phố Thương Khâu cho biết, hiện dân số ở đây mới chỉ ở mức 7,7 triệu dân nhưng đã có hơn 1.100 tài xế công nghệ. Cục Giao thông vận tải địa phương cho biết: “Số lượng ô tô và tài xế đang tăng nhanh”.

Thành phố Tô Châu ở phía đông tỉnh Giang Tô, thành phố Trùng Khánh và thành phố Ưng Đàm ở tỉnh Giang Tây cũng đưa ra thông báo tương tự vào tháng trước.

Tô Châu cho biết, đã có hơn 57.600 ô tô ở khu vực trung tâm thành phố được đăng ký tính đến cuối tháng 3, tăng 3.466 chiếc so với một quý trước đó. “Nguồn cung của ngành này đang tăng lên”, chính quyền địa phương thể hiện sự e ngại. Sự gia tăng bất thường lượng xe đi vào hoạt động được cho là có liên quan đến việc gia tăng số lượng tài xế công nghệ đi vào hoạt động.

Liên quan vấn đề này, đại diện thành phố Trùng Khánh cũng e ngại, với quy mô đơn đặt hàng ô tô như hiện nay, có thể số lượng xe cung cấp cho các dịch vụ taxi công nghệ đã vượt xa nhu cầu thực tế”.

Văn phòng công ty gọi xe công nghệ Didi Global ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Dịch vụ gọi xe đã trở thành công việc bán thời gian phổ biến đối với nhiều công nhân bị sa thải ở Trung Quốc vì công việc này chỉ yêu cầu có ô tô và giấy phép lái xe. Thị trường việc làm yếu kém đã góp phần làm dư thừa nguồn cung trong ngành gọi xe.

Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, đã có 6,6 triệu tài xế taxi trực tuyến đăng ký vào cuối năm 2023, tăng gần 30% so với một năm trước đó. Ngược lại, số lượng hành khách gọi xe chỉ tăng 20,7% trong cùng kỳ lên 528 triệu.

Những lo ngại về độ bão hòa của thị trường xuất hiện cùng lúc với sự thay đổi nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp dẫn đầu ngành là Didi Chuxing. Vào Chủ nhật, công ty thông báo rằng Jean Liu - Chủ tịch và Giám đốc điều hành sẽ rời khỏi Hội đồng quản trị. Cô sẽ duy trì vai trò giám đốc nhân sự đồng thời được bổ nhiệm làm “đối tác lâu dài” của công ty.

Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam cũng có tốc độ phát triển tài xế công nghệ nhanh chóng. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, ước tính đạt 0,88 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 5 năm tới là 19,5%/năm. Hiện nay, thị trường gọi xe công nghệ có sự tham gia của các công ty lớn như Grab Holdings Inc., CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh GSM, CTCP Be Group, Go-Việt và FastGo Việt Nam.