Đề xuất cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư (Bài 1): Nhiều chủ đầu tư ở TP. HCM vẫn chây ì

Trước tình trạng nhiều chủ đầu tư chây ì, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Hàng loạt chung cư bị "bêu" tên

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại TP HCM vẫn có nhiều tòa chung cư đang xảy ra tranh chấp về kinh phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân. Mới đây, UBND quận 8 vừa có văn bản đề nghị chủ đầu tư của 14 chung cư trên địa bàn khẩn trương tiến hành chuyển giao kinh phí bảo trì 2% cho các ban quản trị theo đúng quy định.

Cụ thể, các chủ đầu tư bàn giao chưa đầy đủ, gồm: Công ty TM-DV-XD Kinh doanh Nhà Vạn Thái (chung cư Topaz City khối A, chung cư Topaz City khối B và chung cư Topaz Elite Phoenix 1); Công ty TNHH May Song Ngọc (chung cư Tara Residence); Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Lĩnh Phong (chung cư Conic Riverside);

Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp ASC Sài Gòn (chung cư Riverside Apartment); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo (chung cư The Avila); Công ty TNHH Xây dựng An Phúc (chung cư Mỹ Phúc); Công ty CP 577 (chung cư Diamond Riverside); Công ty CP Lê Minh MC Dịch vụ sản xuất Hùng Thanh (chung cư Trương Đình Hội).

Ngoài ra, các chủ đầu tư chậm bàn giao gồm: Công ty TNHH 276 Ngọc Long (Khu nhà ở xã hội Hưng Phát, tức Green River Apartment); Công ty TNHH TMXD Kinh doanh nhà Thanh Nhựt (chung cư Thanh Nhựt); Công ty CP Địa ốc Chợ Lớn (chung cư Felisa Riverside); và Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện Lực (chung cư Điện Lực - Peridot)...

Còn trên địa bàn Thành phố Thủ Đức, Chủ đầu tư của chung cư Moonlight Residences (102 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM) là Công ty CP Đầu tư Ngôi sao Gia Định và cư dân cũng xảy ra nhiều bất đồng liên quan đến xác định diện tích hầm xe (bao nhiêu thuộc về chủ đầu tư, bao nhiêu là thuộc về cư dân), cũng như bàn giao phí bảo trì.

Cư dân chung cư Moonlight Residences phản ánh nhiều vấn đề chưa thể thống nhất với chủ đầu tư
 

“Hai tầng hầm, B1 (để xe máy), B2 (để ô tô) chỉ có một lối đi, sử dụng chung. Mặc dù phần diện tích này là lối đi, không để được xe nhưng Chủ đầu tư lại vẫn tính vào phần diện tích dành cho cư dân, ép cư dân phải chịu phí bảo trì. Câu chuyện chung-riêng chưa ngã ngũ và nhiều năm nay Chủ đầu tư cố tình kéo dài để "om" toàn bộ phần phí bảo trì này", chị Trần Thị Thanh Thảo, một cư dân sinh sống tại đây cho biết.

Ngày 8/10/2023, Hội nghị nhà chung cư thường niên, kết hợp bầu Ban quản trị nhiệm kỳ mới (2023-2026) tại Moonlight Residences đã diễn ra. Tuy nhiên, cư dân ở đây cho biết, trong Hội nghi, họ nhận thấy một số điểm "có vấn đề" như: Chủ đầu tư đưa vấn đề liên quan đến diện tích hầm gửi xe ra để biểu quyết mà không giải quyết trên cơ sở pháp luật quy định về sở hữu chung-riêng. Vì thế, họ sẽ tiếp tục khiếu nại vấn đề trên.

Liên quan đến những ồn ào tại Moonlight Residences, các cơ quan chức năng đã phải nhiều lần vào cuộc. Như ngày 26/10/2023, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn 16726 đề nghị  Công ty CP Đầu tư Ngôi sao Gia Định và các đơn vị liên quan căn cứ các quy định của pháp luật, đối chiếu với trường hợp cụ thể tại chung cư Moonlight Residences để xác định quyền sở hữu trong tòa nhà và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thực hiện không đúng với quy định pháp luật hiện hành.

Ngày 20/12/2023, Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định. Văn cho biết: Đến nay, Thanh tra Sở chưa nhận được báo cáo của Chủ đầu tư về việc thực hiện Kết luật thanh tra số 16137...Đề nghị Chủ đầu tư – Công ty CP Đầu tư Ngôi sao Gia Định và Ban Quản trị chung cư nghiêm túc, khẩn trương thực hiện nội dung kết luận, có kết quả báo cáo trước ngày 27 tháng 12 năm 2023. Tuy nhiên, theo cư dân ở đây cho biết, đến nay sự việc vẫn chưa có tiến triển.

Không chỉ ồn ào liên quan đến phí bảo trì, trước đó Chủ đầu tư Moonlight Residences còn bị phạt hành chính về vi phạm quản lý, sử dụng nhà chung cư

Văn bản gửi Công ty CP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định của Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh

Mong có quy định "mạnh tay" để răn đe

Cùng cảnh ngộ,  tại chung cư 4S Linh Đông, TP. Thủ Đức, do Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư cũng xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Từ giữa năm 2014 đến nay, ngoài việc chưa được cấp sổ hồng thì  hàng nghìn cư dân tại đây còn phải đối mặt với vấn đề không kém phần bức xúc: Chủ đầu tư chưa bàn giao hết quỹ bảo trì cho Ban Quản trị, gây khó khăn cho việc duy tu, sửa chữa những hạng mục xuống cấp.

"Với những chung cư xảy ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, vận hành, đặc biệt là bị "om" phí bảo trì như chỗ chúng tôi thì hy vọng đề xuất quy định cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư mới đây của Bộ Xây dựng thực sự là một cứu cánh", anh Nguyễn Văn An, cư dân chung cư 4S Linh Đông nêu ý kiến.

Cư dân chung cư chung cư Centum Wealth yêu cầu chủ đầu tư Bách Phú Thịnh bàn giao 2% quỹ bảo trì

 

Theo ghi nhận của PV Đô Thị Mới, nhiều tháng nay, cư dân đang sinh sống tại chung cư Centum Wealth (2A Phan Chu Trinh, Hiệp Phú, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) do Công ty cổ phần Bách Phú Thịnh làm chủ đầu tư cũng phải treo băng rôn để yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao 2% quỹ bảo trì (tương đương hơn 20 tỉ đồng) cho Ban quản trị. Tuy nhiên đến nay, sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Hơn 200 chung cư trên địa bàn Thành phố chưa bàn giao kinh phí

Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay có  hơn 200 chung cư trên địa bàn chưa bàn giao kinh phí. Trong số đó, có hơn 40 chung cư đang tranh chấp kinh phí bảo trì vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không bàn giao cho Ban Quản trị theo quy định.

Để xảy ra tình trạng tranh chấp tại các chung cư như trên, theo chuyên gia nhận định là do pháp luật chưa quy định việc xác định rõ phần diện tích sử dụng chung, sở hữu chung trong hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án. Ngoài ra, việc xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe và một số hành vi vi phạm chưa được quy định (như không đóng kinh phí bảo trì, không đóng phí quản lý vận hành...). Những kẽ hở này tạo điều kiện cho các chủ đầu tư cố tình chây ì, "om" phí bảo trì không bàn giao, dẫn đến quyền lợi cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.