Trước đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đã ở đáy hình chữ U và trong chu kỳ đi ngang. Chu kỳ đi ngang có xu hướng nhích dần lên và kéo dài tới hết năm 2023. Bước sang năm 2024, thị trường sẽ vào giai đoạn tạo đà hồi phục. Dự báo, từ giữa quý II/2024, thị trường bất động sẽ phục hồi theo xu hướng hình chữ V.
Giai đoạn 2022 - 2023 ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung - nguồn cầu BĐS, suy giảm cả về niềm tin của nhà đầu tư; Giảm lượng giao dịch và số lượng các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS; Tính lan tỏa cùng sự ảnh hưởng tới các ngành nghề liên quan.
Tuy nhiên, khi sang giai đoạn 2023 - 2030, thị trường sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, minh bạch và chuẩn mực hơn với các bước tiến về môi trường pháp lý; Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan với đà tăng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; Hạ tầng được phát triển đồng bộ, hiện đại; Xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sáng ngày 12/12 diễn ra Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2023 (VRES 2023). Tại đây, Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực đã có nhiều chia sẻ, ông cho rằng thế giới đang đối mặt với loạt thách thức lớn, kinh tế năm 2023 tiếp tục đà giảm (từ 2,1-3% từ mức 3-3,5% năm 2022). Vấn đề địa chính phức tạp, chiến tranh khiến giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm đều tăng cao.
Về thị trường tài chính, tiền tệ, xuất khẩu và tín dụng trên toàn cầu đang tăng thấp. Lạm phát (CPI) giảm từ 8,4% trong năm 2022 xuống 5,5% trong năm 2023 và 3,5% trong năm 2024. Lãi suất dù giảm nhưng vẫn neo cao.
Vị chuyên gia cho hay, đây cũng là câu chuyện của Việt Nam hồi đầu năm. Kinh tế Việt Nam hiện tại đang chịu tác động chung của tình hình kinh tế thế giới. Song, khi so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung thì kinh tế Việt Nam rõ ràng đã có những dấu hiệu phục hồi.
Tại Việt Nam, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá vừa phải, lãi suất giảm. Cùng với đó là chính sách tài khóa liên quan tới nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều ở mức tương đối thấp so với các nước tương đồng như Việt Nam.
Ông Lực nhận định: "Tình hình kinh tế đang phục hồi cũng tác động rõ rệt đến thị trường bất động sản. Nợ xấu bất động sản tăng từ mức 1,72 % cuối năm ngoái lên mức 2,89 % vào tháng 9 năm nay. Rõ ràng là tăng nhưng nó vẫn ở mức dưới 3%, nằm trong tầm kiểm soát".
Theo chỉ số Vn-Index, các nhà đầu tư đánh giá khá tích cực với lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu ngành này tăng gần 10%. Trong khi năm 2022, cổ phiếu bất động sản giảm 38%. Các chính sách liên quan tới bất động sản như luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào quý I/2025. Điều này được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều năng lượng tích cực cho ngành này.
Ông Lực nhận định, đầu năm sau sẽ là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư đưa ra quyết định. Bởi, lãi suất giảm và giá bất động sản đã điều chỉnh về mức hợp lý. Vị chuyên gia cũng dự đoán, thị trường sẽ khởi sắc ngay từ những quý đầu năm 2024.
Tuy nhiên, ông Lực còn chỉ ra 3 khó khăn lớn đối với doanh nghiệp: Một là về dòng tiền; hai là thị trường đầu ra, vẫn là sức cầu; ba là vấn đề về nguồn nhân lực. Theo ông, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, dự án, danh mục đầu tư.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần quyết liệt hơn trong chuyện cơ cấu giá, giảm giá bán BĐS. Theo số liệu, giá bán BĐS năm 2023 vẫn tăng 6% - không hợp lý so với thu nhập người dân.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi như hiện nay, ông Lực cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần định vị hướng đi mới cho mình sau giai đoạn khó khăn này. Qua đó thích ứng tốt hơn với thị trường để phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, cần tiên phong trong xu hướng xanh hóa, nhất là quan tâm hơn tới câu chuyện quản lý rủi ro và chủ động chuẩn bị thực thi các luật liên quan.
Vị chuyên gia khuyến nghị, các chuyên gia môi giới, nhân viên kinh doanh, nhà đầu tư cần chuẩn hóa theo quy định của pháp luật. "Ngay từ bây giờ các đơn vị phải chuẩn bị cho hoạt động chuẩn hoá trước khi các đạo luật liên quan đến kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào đầu năm 2025. Câu chuyện chuẩn hoá không phải là ngày 1, ngày 2 là xong, mà phải chuẩn bị cả năm" - Tiến sĩ gợi ý.
Trước đó, TS. Võ Trí Thành đã nhận định, bất động sản vẫn là kênh đầu tư mà người dân nên quan tâm. Thị trường còn phải đối diện với nhiều thách thức nhưng đã được nhận diện và vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tiếp đó, cần có sự quyết liệt của Chính phủ trong việc điều hành chính sách, hoàn thiện và thực thi pháp lý. Thị trường cũng cần tái cấu trúc thì niềm tin sẽ dần trở lại.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi cũng từng đưa ra nhận định, từ quý II, III/2024, thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ phục hồi, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh phát triển dự án, tạo nguồn cung lớn cho thị trường. Trong đó, nhà ở xã hội và BĐS công nghiệp sẽ chiếm ưu thế. Với những dự án thương mại mới, kỳ vọng việc hoàn thiện luật sẽ giúp các dự án dễ dàng phát triển hơn.