Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, mức lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 6% so với hiện hành từ ngày 1/7 tới đây.
Cụ thể, lương vùng I sẽ nâng lên 4,96 triệu đồng, vùng II nâng lên 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV là 3,45 triệu đồng. Như vậy, so với mức lương dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng tùy vùng hiện hành, mức lương tối thiểu sau ngày 1/7 sẽ tăng khoảng 200.000 - 280.000 đồng/tháng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%).
Dự thảo Nghị định còn điều chỉnh chuyển vùng hưởng lương tối thiểu tại một số địa bàn. Cụ thể: Thành phố Uông Bí Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh được chuyển từ vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,41 triệu đồng/tháng lên vùng I có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,96 triệu đồng/tháng.
TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình), TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, (tỉnh Thanh Hóa), thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được nâng từ vùng III lên vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,41 triệu đồng/tháng.
Huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc, huyện Thiệu Hóa, huyện Hà Trung, huyện Hậu Lộc, huyện Nga Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) chuyển từ vùng IV lên vùng III có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,86 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh vùng của các địa phương trên nhằm tạo sự cân đối, hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lân cận. Các địa bàn trên cũng có sự phát triển hơn về thị trường lao động, hình thành các khu, cụm công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu cao hơn.
Sự thay đổi này kéo theo người lao động ở các địa bàn được nâng vùng hưởng lương tối thiểu sẽ có mức tăng lương đột phá hơn mặt bằng chung 200.000 - 280.000 đồng/tháng.
Theo đó, địa bàn được nâng từ vùng II lên vùng I, người lao động được tăng 800.000 đồng/tháng; từ vùng III lên vùng II được tăng 770.000 đồng/tháng; từ vùng IV lên vùng III được tăng 610.000 đồng/tháng. Mức tăng này cao hơn khoảng 3 lần so với mức tăng lương áp dụng chung.
Chị Nguyễn Thị Mai - công nhân may mặc tại khu công nghiệp ở TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) chia sẻ, biết được thông tin tăng lương này khiến chị rất vui. Trước đây, với đồng lương công nhân, gia đình chị không chỉ đủ chi phí sinh hoạt mà còn có tiền dành dụm hàng tháng. Nhưng vài năm trở lại đây, chi phí sinh hoạt tăng, thêm tiền học của 2 con cũng nhiều hơn, lương công nhân của chị không đủ. Để tiết kiệm chi phí trong nhà, chị còn trồng thêm rau ở khoảnh đất công trước nhà.
Cũng ở Thái Bình, nhưng không ở địa bàn được nâng vùng lương tối thiểu, chị Trần Thị Thanh (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, trước đây ở quê chị, nhà nào cũng cấy lúa, trồng rau, nuôi gà vịt… tự cung tự cấp. Nhưng giờ, những gia đình đi làm tại khu công nghiệp như vợ chồng chị đều mua tất cả thực phẩm, thậm chí đến nước uống hàng ngày cũng sử dụng chai đóng sẵn. Do vậy, chi phí sinh hoạt mấy năm gần đây ở quê chị không khác gì thành phố. Biết sắp tới được tăng lương, chị rất vui.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Theo nguyên tắc này, người sử dụng lao động không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.