Từ năm 2021, chị Minh Trang (28 tuổi, Hà Nội) đặt mục tiêu mua căn hộ 1 phòng ngủ tại KĐT Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Đến năm nay, chị Trang liên hệ lại với môi giới thì bất ngờ khi được báo giá căn có diện tích tương đương tại đây đã tăng lên 2,4 tỷ đồng.
Qua câu chuyện nhỏ trên có thể thấy rõ một căn chung cư sau 3 năm đã đội giá lên cao đến mức nào (hơn 1 tỷ đồng). Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019. Còn tại TP.HCM, giá phân khúc này tăng 16%.
Đưa ra ý kiến về giá nhà tăng, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) - Chủ tịch HĐQT Sunhouse chia sẻ, tình trạng giá nhà neo cao là đang lãng phí cơ hội. Chủ tịch Sunhouse nhìn nhận bản chất giá bất động sản là một con số ghi nhận giá trị, trong khi giá trị sử dụng không thay đổi.
Ví dụ, căn nhà 1 tỷ đồng nhiều năm trước giờ tăng thêm 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy, giá trị sử dụng không tăng thêm, nhưng lại gây áp lực lên chi phí tiền lương, vốn, chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm và dịch vụ.
Shark Phú phân tích thêm, cứ hình dung sinh viên vừa ra trường hay một người đi làm, với tình trạng giá nhà cao, họ buộc phải có nhu cầu tăng lương để tăng khả năng mua được nhà. Giá nhà tăng gấp 3, kỳ vọng về lương của người lao động cũng sẽ tăng tương ứng.
Từng bàn về câu chuyện này, ông David Do - Tổng Giám đốc Vietnam Investments Group (VIG) cho rằng, giá bất động sản ở Việt Nam không hợp lý cho thế hệ những người trẻ mới ra trường. Nếu giá bất động sản không giảm, thì sẽ có cả một lứa không bao giờ có khả năng mua nhà.
Dữ liệu của VARs cho thấy, mặt bằng giá trung bình chung cư Hà Nội đang được rao bán ở mức 45 triệu đồng/m2, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Một căn hộ chung cư điển hình của Hà Nội hiện được rao bán trung bình ở mức 3,2 tỷ đồng.
Thế nhưng, mức tăng không đồng đều. Có những khu đô thị chỉ trong 1 năm giá đã tăng tới 33%. Những căn hộ chung cư giá rẻ, không sổ đỏ hiện cũng không còn giá 25 triệu đồng/m2.
Tổng Giám đốc VIG nhận định thêm, khi giới trẻ có khoản tiền tích lũy nhưng không mua nổi nhà thì sẽ có thể dẫn đến việc nhóm này "rải tiền" vào các hạng mục giải trí như ăn uống, đi chơi. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là bất động sản phải xuống giá, lúc đó nền kinh tế mới "khoẻ" được.
Theo thông tin của VARs, giá căn hộ tại Hà Nội, cả thị trường sơ cấp (mở bán lần đầu) và thứ cấp (giao dịch thứ 2 trở lên) ghi nhận liên tục tăng. Còn tại TP.HCM cũng đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá trở lại.
Lực cầu mua nhà tăng mạnh từ nhu cầu chuyển dịch của các hộ gia đình, sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động, sinh viên đổ về các thành phố lớn để làm việc và học tập. Bên cạnh đó, lượng lớn nhu cầu đầu tư đang tăng lên khi giá thuê căn hộ cũ, mới tại các khu dân cư liên tục tăng và trong bối cảnh thị trường phục hồi nhanh.
Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). Hiện chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Cụ thể, tại Thủ đô Hà Nội mức giá trung bình của các căn hộ mở bán mới đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, tăng gần 7% theo quý (khoảng 3,6 triệu đồng/m2), 14% theo năm (khoảng 7 triệu đồng/m2). Với thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (250.000 đồng/m2) theo năm.
Ở TP.HCM, giá bán sơ cấp căn hộ chung cư đã đạt hơn 60 triệu đồng/m2. Còn thứ cấp quý 3 đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức.