Từ vụ bắt 10.000 chai nước hoa lậu: Chuyên gia đề xuất giải pháp bảo vệ người tiêu dùng

Việc sử dụng các tài khoản mạng xã hội có lượt theo dõi lớn, như trường hợp tài khoản "Phan Thủy Tiên" có tới 4 triệu người theo dõi, để bán hàng khiến việc tiêu thụ hàng lậu diễn ra nhanh chóng hơn. Bởi hiện nay đa số người tiêu dùng đều có tâm lý tài khoản có lượng theo dõi cao tương đương với uy tín, chất lượng.

Liên tiếp phá các kho hàng lậu bán qua livestream

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, vào sáng ngày 3/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cùng Tổ thương mại điện tử đã tiến hành kiểm tra kho nước hoa và mỹ phẩm tại địa chỉ 286 Nguyễn Xiển (Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali.

Đoàn ghi nhận kho hàng được bố trí chuyên nghiệp gồm các khu vực như livestream, chốt đơn, máy tính hỗ trợ tăng lượt xem ảo cho video, khu đóng gói và khu chứa hàng. Tất cả các khu vực được sắp xếp trên mặt sàn rộng khoảng 1.000 m². Tại khu đóng gói, đoàn phát hiện hai bao tải lớn chứa hàng trăm đơn nước hoa đã được đóng sẵn, chờ chuyển đến các tỉnh như Quảng Ninh, Tây Ninh, TP. HCM qua đơn vị vận chuyển J&T Express. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện 10.000 chai nước hoa có dấu hiệu là hàng lậu

Trong kho, có nhiều thùng carton chứa hơn 10.000 chai nước hoa của các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri... Đa phần sản phẩm được bán qua livestream trên TikTok và Facebook, trong đó có tài khoản "Phan Thủy Tiên" với 4 triệu người theo dõi. Các sản phẩm này không có nhãn phụ tiếng Việt, chỉ có ngôn ngữ nước ngoài và mã vạch đầu số "697...", nghi ngờ là hàng nhập lậu.

Khi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty chỉ cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ năm 2018 và đăng ký địa điểm kinh doanh năm 2023, mà chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Toàn bộ số hàng hóa nghi vi phạm đã bị niêm phong và tạm giữ để tiếp tục điều tra, xác minh.

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến sản phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các nền tảng như TikTok đã bị phát hiện. Như vào cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh trực tuyến Huong Anh Food & Nest (TikTok shop Hương Anh) tại TP. Hạ Long. Cơ sở này bị nghi ngờ bán các sản phẩm nhập lậu thông qua nền tảng TikTok.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện rằng từ đầu tháng 8 đến thời kiểm bị kiểm tra, TikTok shop Hương Anh đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, sau đó livestream bán trên TikTok để kiếm lợi nhuận.

Trước đó, ngày 18/6, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau) đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store (phường 8, TP. Cà Mau) do bà N.T.M. làm chủ. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có dấu hiệu vi phạm trong việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và giả mạo thương hiệu. Tổng số lượng hàng hóa bị phát hiện lên tới hơn 19.470 sản phẩm (khoảng 10 tấn), bao gồm quần áo may sẵn, mỹ phẩm và túi xách các loại.

Khu livestream bán hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali

Cẩn trọng với cả những tài khoản có lượt theo dõi cao

Hiện nay, tình trạng hàng lậu tràn lan trong các buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nước ta. Các nền tảng như Facebook, TikTok… đang trở thành "sân chơi" cho những người kinh doanh trực tuyến không rõ nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là hàng giả, hàng lậu.

Lý giải về việc hàng lậu có thể dễ dàng len lỏi vào các buổi livestream, nhiều chuyên gia cho rằng các nền tảng mạng xã hội hiện tại chưa có các công cụ giám sát chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa. Người bán có thể dễ dàng "livestream chốt đơn" và vận chuyển hàng hóa mà không qua bất kỳ quy trình kiểm soát nào. Điều này tạo điều kiện cho việc bán hàng lậu, hàng giả, và các sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Ngoài ra, việc tăng cường quảng bá bằng cách sử dụng các tài khoản mạng xã hội có lượt theo dõi lớn, như trường hợp tài khoản "Phan Thủy Tiên" có tới 4 triệu người theo dõi, khiến việc tiêu thụ hàng lậu diễn ra nhanh chóng hơn. Những người bán hàng sử dụng các chiêu trò giảm giá sốc, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người mua, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được thật giả.

Nước hoa tại kho hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali đã được đóng sẵn, chờ gửi

Việc phát hiện và xử lý hàng lậu trong các buổi livestream không phải là điều dễ dàng. Các cơ quan chức năng đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giám sát hàng triệu tài khoản bán hàng trên các nền tảng khác nhau. Dù đã có nhiều vụ bắt giữ và xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng.

Trước tình hình đó, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng hơn khi mua sắm trực tuyến, đặc biệt là trong các buổi livestream. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xây dựng các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán hàng qua mạng xã hội. Các nền tảng như Facebook, TikTok cũng cần có biện pháp quản lý nghiêm ngặt, hỗ trợ việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa và giám sát hoạt động bán hàng để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả.

GS. TS Tô Trung Thành - chuyên gia kinh tế và Trưởng phòng Quản lý khoa học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, để bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp như yêu cầu các sàn thương mại điện tử chịu trách nhiệm xử lý khiếu nại về sản phẩm và ký cam kết minh bạch thông tin doanh nghiệp.

Các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam khá toàn diện, tuy nhiên một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp.

Ngoài việc các cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ chính mình. Cụ thể, nên chọn mua hàng từ các đơn vị có thương hiệu uy tín, tránh cung cấp thông tin cá nhân công khai trong các buổi livestream và ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán an toàn.