Tối 12/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phê duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10. Theo đó, có 60 trường THPT công lập hạ điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10. Cũng hạ điểm còn có 3 trường chuyên là Hà Nội - Amsterdam (giảm từ 0,25 - 1 điểm), Nguyễn Huệ (giảm từ 0,3 - 1,25 điểm) và Chu Văn An (giảm từ 0,75 - 1,25 điểm).
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã quyết định giao trên 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung vào lớp. Cụ thể, giao 1.125 chỉ tiêu cho 10 trường THPT và 380 chỉ tiêu cho 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Việc giao chỉ tiêu bổ sung này được thực hiện với những cơ sở giáo dục đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vào thời điểm hiện tại.
Năm nay, Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho 119 trường THPT công lập với 1.657 lớp và 73.695 học sinh. Trong đó, 4 trường chuyên và có lớp chuyên tuyển mới 82 lớp với 2.970 học sinh. Riêng 8 trường THPT công lập được tự chủ tuyển mới 85 lớp và 3.555 học sinh.
Tổng chỉ tiêu cho lớp 10 năm học 2024 - 2025 là 77.250 học sinh. So với năm ngoái, tổng chỉ tiêu đã tăng hơn 1.500 học sinh. Ngoài ra, Hà Nội còn có 4 trường THPT chuyên trực thuộc đại học, giúp tăng số suất học công lập của toàn thành phố lên khoảng 81.000.
Tuyển sinh lớp 10 năm nay, Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng gây chú ý lớn khi điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay chỉ còn 23,75, giảm sâu đến 16,25 điểm so với năm trước. Trong số các trường được giao chỉ tiêu thêm có Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng.
Trường được tuyển bổ sung 62 chỉ tiêu. Đáng lưu ý là các chỉ tiêu này "tràn tuyến" toàn Hà Nội với những học sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký. Thế nên sáng 13/7, đã có rất đông phụ huynh tập trung từ sớm trước cổng trường để tìm hiểu thêm về nguyên tắc xét tuyển bổ sung, thậm chí có những phụ huynh đã cầm sẵn theo hồ sơ để "canh" nộp trực tiếp nếu trường nhận.
Một vị phụ huynh chia sẻ, khi biết Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng tuyển sinh bổ sung 62 chỉ tiêu toàn thành phố, chị và cô con gái đã mất ngủ cả đêm. 5h30 sáng, mẹ con chị đã chở nhau tới trường, với hy vọng sẽ nộp được hồ sơ xét tuyển bổ sung trực tiếp. Chị bộc bạch, con gái chị bốn năm học cấp 2 đều là học sinh giỏi. Đợt thi vào lớp 10 công lập vừa qua, con chị được 36,5 điểm, tuy nhiên đều trượt cả 3 nguyện vọng vào trường công lập.
Nén tiếng thở dài, chị bảo các con học khá giỏi vẫn không vào được trường THPT công lập là rất thiệt thòi, phụ huynh lo ít nhưng tội cho các con thì nhiều. Chị cho rằng cần có cách thi mới để phân loại học sinh giỏi, khá, trung bình như xét tuyển đại học để tạo công bằng.
Tương tự, bà Hoàng Thị Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nghe tin trường tuyển sinh bổ sung, bà đã cầm theo sẵn hồ sơ đến cổng trường từ 6h30 sáng để nộp trực tiếp cho cháu nếu được. Cháu bà thi được 38,75 điểm mà vẫn trượt hết các nguyện vọng vào trường công lập. Bà đến để nghe nhà trường thông báo như thế nào, hướng dẫn đăng ký qua ứng dụng ra sao để về nhà, bà cháu còn biết cách làm.