Từ chiêu thức ban đầu…
Vừa qua, tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận được nhiều câu hỏi về việc nhiều lao động trẻ bị lừa đi làm việc ở nước ngoài bằng lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, việc công dân bị lừa đi làm việc, cưỡng bức lao động đã diễn ra đã nhiều năm và ngày càng phức tạp. Bộ cũng phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài nước đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp về nước.
Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao có nêu, Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại giải cứu công dân từ các cơ sở giam giữ người bất hợp pháp và tiếp nhận gần 1.400 công dân. Tuy nhiên, con số này mới phản ánh một phần số công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại đây.
Năm 2023, ngoài Campuchia, hiện tượng lao động bị lừa ra nước ngoài làm việc trong các sòng bạc, casino lan rộng ra các nước khác trong khu vực. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar giải cứu, hỗ trợ đưa khoảng 1.500 công dân về nước. Bộ trưởng cho biết, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng không có việc nhẹ lương cao.
Chiêu thức dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” cơ bản lúc đầu là lừa rất nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc bán vào các tụ điểm bán dâm trá hình dưới vỏ bọc quán karaoke, cà phê nhà vườn… từ cả chục năm trước. Sau đó, thủ đoạn này bắt đầu “biến hình” để lừa đảo đưa người đi nước ngoài làm việc. Thực tế, nhiều trường hợp bị bán vào làm khổ sai tại các casino, sòng bạc ở nước ngoài.
…Đến những biến tướng tinh vi
Theo thời gian, những biến tướng của “việc nhẹ lương cao” đã tinh vi hơn để lừa đảo được cùng lúc nhiều người hơn. Có thể kể đến vụ việc mới được phanh phui đầu tháng 3 vừa qua khi hàng nghìn người bị lừa đặt cọc hàng trăm triệu đồng để nhận hạt gỗ và những nguyên liệu kẹp nhựa của 1 công ty có tên Thuận Trung Thông về gia công.
Công việc rất đơn giản, chỉ xâu hạt gỗ thành vòng tay và lồng kẹp sắt vào trong những chiếc vỏ nhựa là được trả công hoàn thành sản phẩm. Nhưng phải có tiền thì mới được làm công việc này bởi khách hàng bắt buộc phải đặt cọc một số tiền tương ứng với số lượng của sản phẩm theo quy định của công ty. Cách để giao dịch là thông qua 1 ứng dụng tải về điện thoại có tên gọi Shopnew.
Khi khách hàng nạp tiền cọc vào app Shopnew, công ty Thuận Trung Thông sẽ gửi hàng cho người tham gia thông qua các đại lý. Sau khi hoàn thành xong sản phẩm, các mặt hàng phải được gửi về đại lý của công ty. Nếu hàng đủ và đạt yêu cầu, công ty sẽ chuyển lại tiền cọc và tiền công cho khách hàng về ví ảo được tạo trên app Shopnew. Từ app này, khách hàng có thể rút tiền về tài khoản riêng của mình.
Công ty chi trả đúng hẹn trong vài tháng đầu. Nhưng từ tháng 2 năm nay, hàng nghìn khách hàng của công ty Thuận Trung Thông đã không còn được nhận công và vốn của mình. Lúc này, nhiều người mới bắt đầu để ý đến số tiền cọc và tiền công cao bất thường mà công ty này đưa ra. Tại nhiều tỉnh thành, các nạn nhân đã cùng tập hợp gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng.
Anh Vũ Văn Thường là một nạn nhân của công ty Thuận Trung Thông tại Phú Thọ. Anh Thường đã đặt hơn 150 đơn hàng để nhận về làm gia công với tổng giá trị là 190 triệu đồng chỉ trong 20 ngày. Một nạn nhân khác của công ty Thuận Trung Thông tại Bắc Giang đã cọc tổng cộng 250 đơn vòng các loại với tổng trị giá là 283 triệu. Người này cho biết, 1 cái vòng gỗ này làm mất tầm khoảng 5 đến 10 phút thì xong. Một đơn của họ là 6 vòng. Nếu mỗi ngày cọc tiền cho gần 70 đơn hàng thì tiền công có thể được tới 8 triệu đồng. Như vậy, tiền công một tháng có thể được gần 200 triệu. Cọc càng nhiều, tiền công càng cao. Tính toán như thế nên ai cũng ham, ai cũng hồ hởi với công việc này, bởi đây đích thực là “việc nhẹ lương cao”.
Một biến tướng khác của “việc nhẹ lương cao” lại hướng đến những mẹ bỉm sữa, những người muốn kiếm thêm thu nhập. Các đối tượng đã dụ dỗ họ trở thành “người bán hàng” qua mô hình kinh doanh dropshipping, rồi chiếm đoạt tài sản.
Thời đại công nghệ số hiện nay, dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này. Dropshipping là hình thức bán lẻ mà người bán không cần kho lưu trữ sản phẩm mà chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm.
Người bán hàng chỉ cần chú tâm vào quảng bá sản phẩm, những việc còn lại đơn vị cung cấp sản phẩm sẽ phụ trách. Với mô hình này, người bán hàng có thể cắt bỏ hoặc giảm đáng kể các khoản chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân viên vận hành (đóng gói, gửi hàng)...
Những lời giới thiệu trên khiến nhiều người tin vào mô hình kinh doanh này rồi bị lừa lúc nào không hay. Chị N. (Hà Nội) là một trong số đó. Chị N. cho biết, chị tìm kiếm công việc bán hàng mới trên mạng nên đã chủ động nhắn tin vào trang “Taobaovn Store” và được trang cho mã vạch zalo của nhân viên hỗ trợ. Người này hướng dẫn chị N. tạo cửa hàng và chọn sản phẩm trên trang Taobao muốn bán. Có đơn khách đặt hàng, chị N. phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng các đối tượng cung cấp, sau đó quy đổi thành tiền Việt để chuyển cho các đối tượng.
Khi số lượng đơn hàng khách đặt quá lớn, chị N. không đủ khả năng thanh toán nên muốn rút vốn. Lúc này, chị nhận được yêu cầu phải thanh toán tất cả các đơn hàng, mới có thể rút vốn. Các đối tượng lấy nhiều lý do: “Thanh toán đủ các đơn”, “đạt doanh thu 10.000 USD”, “ủng hộ trẻ em nghèo”… để yêu cầu chị N. nộp thêm tiền. Sau khi chị chuyển cho các đối tượng 340 triệu đồng thì không thể liên lạc tiếp. Phải tới thời điểm đó, chị N. mới biết mình bị lừa.
Cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo, truyền thông cũng đăng tải rất nhiều thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo “việc nhẹ lương cao” nhưng vẫn có rất nhiều người vì lòng tham và thiếu kiến thức thực tế vẫn bị sập bẫy. Bài học cho những người tin vào "việc nhẹ lương cao" là những lời mời chào như vậy sẽ không bao giờ trở thành cơ hội mà luôn là rủi ro.