Một đánh giá do Tổ chức Y tế Thế giới nghiên cứu về các rủi ro tiềm ẩn của bức xạ điện thoại di động đã không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc sử dụng điện thoại di động và ung thư não, ngay cả đối với những người dành cả ngày dán mắt vào điện thoại thông minh.
11 chuyên gia từ 10 quốc gia đã nghiên cứu khoa học trong nhiều thập kỷ để đi đến kết luận kể trên. Họ đã xem xét 5.000 nghiên cứu được công bố từ năm 1994 đến năm 2022, thu hẹp còn 63 nghiên cứu cho phân tích cuối cùng được công bố vào ngày 3/9 vừa qua.
Nhóm chuyên gia đã tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa bệnh ung thư và việc tiếp xúc nhiều hơn với tần số vô tuyến thường được sử dụng trong các thiết bị điện tử không dây, bao gồm cả điện thoại di động.
Họ phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư não không tăng, ngay cả khi sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài (được định nghĩa là 10 năm trở lên), ở những người dành nhiều thời gian cho điện thoại di động hoặc những người gọi điện nhiều. Họ cũng không phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư não tăng ở trẻ em tiếp xúc với máy phát thanh hoặc TV hoặc tháp điện thoại di động.
"Những kết quả này rất đáng tin cậy", Ken Karipidis, tác giả chính của bài đánh giá cho biết. Chuyên gia đến từ cơ quan bảo vệ bức xạ và hạt nhân của Úc, cho biết việc sử dụng điện thoại di động đã "tăng vọt", nhưng "không có sự gia tăng nào về tỷ lệ mắc bệnh ung thư não".
Cơ quan chuyên trách Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO, đã phân loại tiếp xúc với sóng vô tuyến là chất có thể gây ung thư cho con người vào năm 2011 — dựa trên bằng chứng hạn chế từ các nghiên cứu quan sát. Điện thoại di động cùng với mạng WiFi, đài phát thanh, điều khiển từ xa và GPS — sử dụng các sóng năng lượng vô tuyến vô hình để truyền cuộc gọi và tin nhắn văn bản.
Karipidis cho biết, việc phân loại của WHO không có nghĩa là sóng vô tuyến chắc chắn là chất gây ung thư — giống như các hóa chất trong khói thuốc lá. Ông lưu ý rằng phấn rôm và lô hội cũng được coi là chất gây ung thư, dựa trên bằng chứng hạn chế. Kể từ đó, "nhiều nghiên cứu hơn đã được công bố" về sóng vô tuyến và chúng "khá toàn diện". Điều đó đã thúc đẩy WHO tiến hành đánh giá mới nhất.
Karipidis cho biết vấn đề với một số nghiên cứu ban đầu, dựa vào các nghiên cứu đối chứng, so sánh phản ứng của những người mắc ung thư não với những người không mắc bệnh - điều này có thể "hơi thiên vị". Ông cho biết một người bị u não "muốn biết lý do tại sao họ mắc u não và có xu hướng báo cáo quá mức về mức độ phơi nhiễm của họ". Ông nói thêm rằng các nghiên cứu theo nhóm toàn diện hơn "chưa chỉ ra những mối liên hệ như vậy".
Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng các tháp di động, nơi truyền tải các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn văn bản trên toàn thế giới bằng sóng năng lượng vô tuyến, cũng không phải là nguy cơ gây ung thư.
Mark Elwood, giáo sư danh dự về dịch tễ học ung thư tại Đại học Auckland và là đồng tác giả của bài đánh giá cho biết, các mạng di động thế hệ mới, bao gồm thế hệ thứ ba và thứ tư, hay 3G và 4G, thực sự tạo ra lượng phát xạ tần số vô tuyến "thấp hơn đáng kể" so với các mạng cũ.
“Vẫn chưa có nghiên cứu lớn nào về mạng 5G, nhưng đã có những nghiên cứu về radar, có tần số cao tương tự; những nghiên cứu này không cho thấy nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc ung thư”, ông cho biết và nhấn mạnh rằng việc có nhiều tháp điện thoại di động hơn thực sự làm giảm lượng bức xạ phát ra từ điện thoại di động, vì chúng không phải tốn nhiều công sức để bắt được tín hiệu.
Keith Petrie, một chuyên gia của Đại học Auckland không tham gia vào quá trình đánh giá, cho biết "lo ngại về tác động của công nghệ mới đối với sức khỏe là phổ biến và có xu hướng tăng lên khi một công nghệ mới được áp dụng rộng rãi hoặc được áp dụng nhanh chóng. Điều này đã được chứng kiến trong đại dịch covid-19 khi mọi người tấn công các tháp di động vì tin vào một lý thuyết vô căn cứ rằng các tháp 5G phát tán vi-rút corona".
Ông nói thêm rằng báo cáo do WHO ủy quyền là “một đánh giá rất toàn diện của một nhóm quốc tế uy tín”.