Xử lý nợ xấu thuế: Khai thông "nút thắt" dữ liệu để hiệu quả hơn

Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hiệu quả theo thông lệ quốc tế để xử lý nợ xấu thuế, nhưng khi áp dụng mạnh mẽ, đã phát sinh nhiều bất cập. Ngoài ra, những khoản nợ thuế nhỏ cũng gây phiền toái lớn, đòi hỏi cơ quan thuế cần có giải pháp triệt để hơn.

Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp, tăng gấp 5 lần so với đề xuất trước đây. Theo dự thảo Nghị định, quy định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Ước tính, nếu áp dụng mức ngưỡng mới, khoảng 81.000 cá nhân nợ thuế sẽ thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh.

Vẫn còn nhiều mối lo với khoản nợ thuế

Trước đó, khi đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế liên quan đến ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc cơ quan thuế xác định cá nhân kinh doanh hay chủ hộ kinh doanh nợ thuế chỉ dựa trên thông tin lưu trữ nội bộ chưa thể xem là một quyết định hành chính chính thức.

Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, dữ liệu lưu trữ tại cơ quan thuế có thể gặp sai sót, nhầm lẫn hoặc thiếu sót, dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa hoàn toàn chính xác. Chỉ khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế và ban hành quyết định hành chính, thông tin này mới được tra soát, đối chiếu kỹ lưỡng theo quy trình đầy đủ.

Quyết định hành chính về thuế sẽ thể hiện rõ số tiền nợ và thời hạn nợ, làm cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp xử lý.

VCCI nhấn mạnh, tạm hoãn xuất cảnh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền đi lại của người dân nên cần đảm bảo thực hiện biện pháp này theo quy trình chặt chẽ

VCCI nhấn mạnh, tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền đi lại của người dân. Do đó, cần đảm bảo thực hiện biện pháp này theo quy trình chặt chẽ, chỉ áp dụng khi đã có quyết định hành chính về quản lý thuế do người có thẩm quyền ký ban hành, nhằm tránh những sai sót không đáng có.

Kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh, chị Hương Thu, chủ một spa (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, ủng hộ việc cơ quan thuế chống thất thu thuế nhưng cũng lo lắng. Theo chị Thu, nỗi lo của chị không phải vì nộp thuế mà là không biết mình có nợ hay không?Làm thế nào để biết?

Theo đề xuất, cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua phương thức điện tử hoặc đăng trên cổng thông tin thuế nếu không gửi được. Tuy nhiên, chị Thu lo ngại một số hộ kinh doanh có thể không nhận được thông báo. Thực tế đã có trường hợp người dân tra cứu trên eTax không thấy nợ, nhưng sau đó lại bị truy thu và phạt.

Bên cạnh đó, nhiều người nộp thuế cũng cho biết bị “tiến thoái lưỡng nan” đối với những khoản nợ “siêu nhỏ”. Chẳng hạn, giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, dù tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về thuế, ông bất ngờ nhận thông báo nợ thuế… 45 đồng.

Vị giám đốc này cho biết, ông và nhân viên phải mất nhiều ngày mới giải quyết được khoản nợ thuế này. Tính cả thời gian và công sức bỏ ra, chi phí để hoàn thành nghĩa vụ này vượt xa giá trị thực tế của khoản nợ.

Tương tự, chị Thu Hà (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết mình bị treo đến 20 khoản nợ từ các giao dịch mua bán đất trước đây khi kiểm tra ứng dụng eTax Mobile. Có khoản chỉ 195 đồng, khoản khác 684 đồng, với những ghi chú không rõ ràng như “tiền chậm nộp điều tiết ngân sách địa phương” hay “thu từ đất ở đô thị”.

Quan trọng vẫn là dữ liệu thông tin

Điều này đặt ra câu hỏi: Khi các chính sách đang hướng tới tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vì sao không có biện pháp “làm sạch” dữ liệu nợ thuế với những khoản nhỏ, chẳng hạn dưới 50.000 đồng, tương tự chính sách miễn tiền sử dụng đất phi nông nghiệp?

Nếu thực hiện, ngành thuế sẽ giảm được gánh nặng xử lý các khoản nợ nhỏ, vốn tiêu tốn nhiều công sức và chi phí hơn số tiền thu được, đồng thời giải tỏa lo lắng cho người nộp thuế vô tình rơi vào tình huống này.

Theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Tài chính về nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng cho cá nhân và 500 triệu đồng cho doanh nghiệp là hợp lý. Tuy nhiên, cần có các công cụ minh bạch, dễ tra cứu để người dân biết rõ mình có nợ thuế hay không và số liệu phải chính xác.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group cho rằng, xác định ngưỡng nợ thuế (số tiền nợ tối thiểu) và thời gian nợ cụ thể là cần thiết, nhằm đảm bảo cơ quan thuế có cơ sở rõ ràng để thực hiện, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện. Tuy nhiên, không nên áp dụng biện pháp mạnh như tạm hoãn xuất cảnh với những người không cố ý vi phạm hoặc không biết mình đang nợ thuế.

Ngành thuế đã triển khai ứng dụng eTax Mobile để hỗ trợ người dân, nhưng do vẫn trong giai đoạn đầu, dữ liệu chưa đồng bộ và chính xác, gây nhiều phiền toái

Ông Lộc cũng chỉ ra rằng cơ quan thuế đã triển khai các biện pháp tạm thời như rà soát tại trụ sở doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với người nợ thuế hoặc khóa mã số thuế từ năm 2023. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa toàn diện và có thể gây khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, việc thiếu sót trong truyền đạt thông tin cần được khắc phục, vì người nộp thuế có thể không nhận được thông báo trực tiếp, dẫn đến việc không biết mình bị phạt hoặc bị khóa mã số thuế. Điều này làm cản trở họ thực hiện nghĩa vụ thuế.

Luật sư Lộc đề xuất cơ quan thuế cần hỗ trợ và hướng dẫn người nộp thuế để họ hiểu rõ và tuân thủ quy định. Đồng thời, cần cải thiện và đa dạng hóa các phương thức liên lạc, như kết hợp dữ liệu hành chính dân cư để đảm bảo thông báo đến đúng người.

"Việc xử lý vi phạm nên là bước cuối cùng, chỉ áp dụng khi cá nhân hoặc doanh nghiệp cố tình chây ỳ sau khi đã được thông báo đầy đủ," luật sư Lộc nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai ứng dụng eTax Mobile để hỗ trợ người dân, nhưng do vẫn trong giai đoạn đầu, dữ liệu chưa đồng bộ và chính xác, gây nhiều phiền toái. Vì vậy, việc làm sạch dữ liệu nợ thuế, chuẩn hóa thông tin và điều chỉnh ngưỡng nợ phù hợp là bước đi cần thiết.

Chỉ khi thực hiện triệt để các giải pháp này, “nợ xấu” thuế mới được giải quyết hiệu quả, đồng thời giảm gánh nặng cho người nộp thuế, tránh việc họ phải lao đao vì những khoản nợ nhỏ không đáng kể nhưng gây ra phiền phức lớn.