Tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm
Ngày 28/12, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông báo, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo nghị định mới, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính tăng rất cao. Đặc biệt, mức phạt tăng mạnh đối với các hành vi, nhóm hành vi được xác định là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn, nhất là trên đường cao tốc.
Ba nhóm hành vi bị tăng mức xử phạt bao gồm: Nhóm 1, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số. Nhóm thứ 2, cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nhóm thứ 3, nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông
Cụ thể, đối với ô tô: Mở cửa xe hoặc để cửa mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông, mức phạt hiện hành là 400.000 - 600.000 đồng, nhưng từ 1/1/2025 sẽ tăng lên 20 - 22 triệu đồng.
Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, hiện phạt 4 - 6 triệu đồng, sẽ tăng lên 18 - 20 triệu đồng. Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, mức phạt tăng lên 35 - 37 triệu đồng.
Đi ngược chiều trên đường một chiều hoặc đường có biển "Cấm đi ngược chiều", hiện phạt 4 - 6 triệu đồng, mức phạt mới là 18 - 20 triệu đồng.
Với vi phạm là người điều khiển xe máy: Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, mức phạt mới sẽ là 4 - 6 triệu đồng. Điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng.
Đi ngược chiều trên đường một chiều, mức phạt tăng lên 4 - 6 triệu đồng. Lạng lách, đánh võng khi điều khiển xe, hiện phạt 6-8 triệu đồng, sẽ tăng lên 8-10 triệu đồng.
Gây tai nạn giao thông nhưng không dừng phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không trình báo ngay với cơ quan công an hoặc chính quyền, mức phạt hiện hành 6 - 8 triệu đồng, sẽ tăng lên 8 - 10 triệu đồng.
Nguyên nhân do lối sống và thói quen
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, nghị định mới được ban hành trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực và tai nạn giao thông đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, như hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, cùng lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng mỗi năm, với gần 500.000 ô tô và khoảng 2 triệu xe máy.
Đặc biệt, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, lập lại trật tự giao thông đòi hỏi việc thực thi pháp luật nghiêm minh, với chế tài đủ tính răn đe và tương xứng với mức độ vi phạm, nhất là đối với các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền (Cục CSGT) chia sẻ, hành vi vượt đèn đỏ là một trong những vi phạm giao thông nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Thậm chí, có trường hợp người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ ngay cả khi có sự hiện diện của lực lượng chức năng giám sát.
Một thực trạng phổ biến tại Việt Nam là tại các giao lộ không có lực lượng CSGT, nhiều người, đặc biệt là người điều khiển xe máy, sẵn sàng vượt đèn đỏ. Phân tích từ Cục CSGT cho thấy, không chỉ vào ban ngày, hành vi vượt đèn đỏ vào ban đêm, nhất là trong các khung giờ thấp điểm, cũng gây nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông do điều kiện ánh sáng hạn chế. Thậm chí, ngay cả trong giờ cao điểm, khi CSGT tập trung điều tiết giao thông, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp cố tình không tuân thủ tín hiệu đèn.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lối sống, thói quen và nếp nghĩ rằng, họ sẵn sàng vi phạm giao thông khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Do đó, tăng mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ không chỉ nhằm răn đe mà còn hướng đến xây dựng một văn hóa giao thông văn minh, an toàn, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.
Chỉ huy Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục Cảnh sát giao thông), phụ trách quản lý hàng trăm km đường cao tốc từ cửa ngõ phía nam Hà Nội đến Thanh Hóa cũng nhận định, các lỗi vi phạm được tăng mức phạt theo quy định mới là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn, đồng thời có tính chất cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông.
Đặc biệt, khi các vi phạm này xảy ra trên đường cao tốc, chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc tăng mức phạt là cần thiết để tạo tính răn đe đủ mạnh và tương xứng với mức độ nguy hại của hành vi.
Để đảm bảo các tài xế nắm rõ và tuân thủ quy định mới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp thông tin tới các doanh nghiệp, nhà xe và lái xe qua nhiều kênh tuyên truyền. Tại các trạm thu phí và lối ra vào đường cao tốc, các thông báo sẽ được phát qua loa phát thanh, hiển thị trên bảng điện tử và bảng chạy chữ, giúp truyền tải nội dung nhanh chóng và hiệu quả.