Năm 2025, vốn ngân hàng vẫn “chảy” vào bất động sản

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng ở các ngành chủ chốt như bất động sản khu công nghiệp và dân cư, năng lượng tái tao, tiêu dùng... Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng có thể cải thiện khi kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, cao hơn mức 15% của năm nay. NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu, đảm bảo tổ chức tín dụng cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế mà không cần yêu cầu văn bản. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết 62.

Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 18,1 triệu tỷ đồng

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến giữa tháng 12/2024 đạt 12,5%, tuy nhiên, mục tiêu cả năm 2024 vẫn có khả năng đạt 15%. Để hoàn thành mục tiêu này, hệ thống ngân hàng cần tăng thêm 2,5% dư nợ chỉ trong nửa tháng cuối năm, tương đương hơn 339.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.

Điều này không phải là không khả thi, khi vào cuối năm 2023, tín dụng đã tăng ròng hơn 466.000 tỷ đồng trong nửa cuối tháng 12, đạt mức tăng 3,6%. Việc các ngân hàng tăng tốc giải ngân cuối năm không chỉ để hoàn thành kế hoạch mà còn tạo nền tảng tốt hơn cho hạn mức tín dụng trong năm tiếp theo.

Nếu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, dư nợ toàn ngành sẽ vượt 15,6 triệu tỷ đồng vào cuối năm. Với mục tiêu tăng trưởng 16% năm 2025, dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 18,1 triệu tỷ đồng, tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng trong năm.

bat-dong-san-1735643020.jpg
Tín dụng bất động sản dân cư sẽ tăng trưởng nhờ tiến trình tháo gỡ pháp lý cho các dự án

Trong khi đó, NHNN đã giao hạn mức cho các tổ chức tín dụng từ cuối năm 2024, nhằm thúc đẩy cho vay ngay từ quý I. NHNN cũng có kế hoạch điều chỉnh linh hoạt hạn mức tín dụng nếu cần, như đã thực hiện trong năm 2024, giúp tổ chức tín dụng cung ứng đủ vốn kịp thời mà không cần văn bản đề nghị.

Nêu quan điểm về các diễn biến mới của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, các tổ chức tín dụng sẽ được NHNN cho phép chủ động điều chỉnh dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và các hệ số an toàn vốn mà không cần đề nghị phê duyệt. Chính sách này tăng tính linh hoạt cho ngân hàng, giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến những lĩnh vực cần thiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp được dự báo hưởng lợi từ dòng vốn FDI gia tăng, trong khi bất động sản dân cư sẽ tăng trưởng nhờ tiến trình tháo gỡ pháp lý cho các dự án. Theo đó, các ngân hàng sẽ gia tăng cung cấp vốn cho chủ đầu tư nhằm đẩy mạnh nguồn cung bất động sản, đón đầu chu kỳ tăng giá mới của thị trường.

Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút vốn lớn khi Chính phủ đẩy mạnh triển khai Quy hoạch Điện VIII nhằm đối phó nguy cơ thiếu điện vào năm 2026. Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Các động lực tăng trưởng

Theo nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 chủ yếu đến từ mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu vốn. Tín dụng bán lẻ dự kiến tăng trưởng mạnh nhờ sự phát triển của hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và vay mua nhà, trong khi tín dụng bán buôn được kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định.

Cụ thể, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nhu cầu vay mua nhà từ khách hàng cá nhân được dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt khi các vướng mắc pháp lý của nhiều dự án đã được tháo gỡ nhờ hiệu lực của ba luật liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua nhà hiện đang ở mức thấp, góp phần hỗ trợ lực cầu tín dụng bất động sản. Đồng thời, dòng vốn cũng được khuyến khích chảy vào các dự án nhà ở xã hội, thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.

tang-truong-tin-dung-1735643099.jpg
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%

Trong khi đó, chuyên gia của MBS cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt mức 15-16%, nhờ nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế hơn trong việc mở rộng "room" tín dụng năm 2025, tạo động lực để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Theo nhóm chuyên gia VCBS, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ vào cuối năm 2024 do áp lực lạm phát và tỷ giá, nhưng sẽ ổn định trong năm 2025 khi NHNN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025, hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Các lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp tục được hưởng mức lãi suất ưu đãi, trong khi bất động sản và xây dựng phục hồi nhanh nhưng rủi ro cao, nên có khả năng phải chịu mức lãi suất chênh hơn so với nhóm ngành khác, phù hợp với xu hướng tăng của lãi suất huy động.

Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đầy tham vọng, vẫn tồn tại nhiều thách thức. Nhu cầu vay của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chậm lại nếu Việt Nam đối mặt với các biện pháp thuế từ chính quyền Mỹ. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đặt ra rủi ro lớn, với khoảng 250.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm. Nhiều ngân hàng đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu này và có thể giảm đầu tư mới khi trái phiếu đáo hạn hoặc được mua lại trước hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ siết chặt kiểm soát cho vay liên quan đến các doanh nghiệp sân sau và cổ đông lớn cũng tác động mạnh đến cơ chế và mục tiêu phát triển tín dụng của nhiều TCTD. Các ngân hàng có dư nợ lớn từ các khoản vay này sẽ cần thu hồi và hạn chế cho vay mới, dẫn đến những điều chỉnh cần thiết trong chiến lược tín dụng thời gian tới. Những yếu tố này đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động từ các ngân hàng trong việc thích nghi với bối cảnh kinh tế và chính sách mới.