Áp lực đáo hạn trái phiếu phụ thuộc nhiều vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp

Theo chuyên gia Thái Phạm - Nhà sáng lập Happy Live hiện tại áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm đang cao nhưng vẫn chưa đến mức xảy ra khủng hoảng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là khoảng 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng (chiếm 51%), theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng (chiếm 17,2%).

Mặc dù trong thời gian gần đây, hoạt động mua bán trái phiếu cũng như đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu khá sôi động, nhất là sau khi Nghị định 08 được ban hành. Tuy nhiên, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang gặp khó khăn, thị trường chứng khoán lao đao, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đối mặt ra sao với áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm? Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Thái Phạm - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhà sáng lập Happy Live. 

Ông Thái Phạm - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhà sáng lập Happy Live. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khó khăn vẫn hiện hữu

- Ông có đánh giá gì về diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?

Theo thông tin từ báo chí và một số đơn vị nghiên cứu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua khá trầm lắng. Theo báo cáo gần đây nhất của VnDirect, lũy kế 8 tháng đầu năm tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 100.997 tỷ đồng giảm 54,75% so với cùng kỳ. Đây là những con số cho thấy sự suy giảm và trầm lắng rõ ràng của thị trường vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp.

Tháng 9 là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (theo HNX), ông có nhận định gì về khả năng trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong tháng này?

Với tình hình thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng hiện tại thì khả năng việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu của doanh nghiệp trong tháng này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giúp doanh nghiệp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm. Cụ thể, tháng 3/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho các doanh nghiệp thêm thời gian để cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu, thương lượng lại thời điểm đáo hạn, mức lãi suất, và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt điều này. 

Tiếp đến, cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gồm Thông tư 02 quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu của tổ chức tín dụng đã phần nào “gỡ khó” về khoản nợ trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp.

Có thể thấy, những chính sách này đang tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp đáo hạn trái phiếu. Khi không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để gia hạn thanh toán các khoản nợ (gốc+lãi) đến hạn. Nếu doanh nghiệp đàm phán thành công với các trái chủ thì có thể khoản nợ sẽ được dời vào khoảng thời gian khác, tùy vào điều kiện đàm phán. Tức là, doanh nghiệp sẽ tìm cách để đưa các nghĩa vụ hiện tại sang tương lai với kỳ vọng qua thời gian thì tình hình thị trường sẽ tốt lên. Cho nên áp lực đảo nợ trái phiếu trong khoảng thời gian này chưa phải lớn nhất.

Cần thêm thời gian để phục hồi

Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán các khoản nợ trái phiếu. Ông có đánh giá gì về độ thẩm thấu của những chính sách này?
Qua những chia sẻ của đại diện Chính phủ và cơ quan quản lý có thể thấy, toàn bộ hệ thống đang rất quan tâm đến vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như lợi ích của các nhà đầu tư, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp sớm hồi phục, khai thông dòng tiền, hoàn thành các nghĩa vụ cho cổ đông và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng, độ thẩm thấu sâu rộng để khôi phục niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp thì cần phải có thời gian, cũng như nỗ lực của từng doanh nghiệp cụ thể.

Có ý kiến cho rằng, việc các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ giúp giảm áp lực thanh toán đáo hạn giai đoạn 2023-2024, nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai trong 1-2 năm tới đây. Ông nghĩa sao về ý kiến này?

Nếu hoãn nợ thì sẽ đẩy áp lực trả nợ về tương lai. Còn nếu hoán đổi nợ thành tài sản khác thì sẽ giảm được trả nợ cho các doanh nghiệp. Và việc hoán đổi nợ  sẽ là phương án tốt cho doanh nghiệp vì trái chủ sẽ cùng tham gia sở hữu tài sản đang hình thành/hoặc đã hình thành của doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp sẽ không còn bị ràng buộc các gánh nặng tài chính tương lai nữa.

Các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng trong bối cảnh thị trường địa ốc vẫn khó khăn. Theo ông, liệu có thể xảy ra một quả bom nợ trái phiếu cuối năm này không?

Theo tôi là không thể xảy ra một quả bom nợ trái phiếu cuối năm nay. Vì Chính Phủ cũng đã tạo cơ chế để doanh nghiệp có thể hoãn nợ và hoán đổi nợ thành tài sản. Cho nên bây giờ sẽ là tùy từng doanh nghiệp cụ thể và khả năng đàm phán với các trái chủ để hoãn nợ, giãn nợ hoặc hoán đổi tài sản. Nếu trái chủ chấp nhận các phương án hoãn nợ, giãn nợ hoặc hoán đổi tài sản này thì khó khăn sẽ dồn về tương lai như đã phân tích ở trên và mong thị trường sẽ ấm dần, sôi động trở lại để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.

Chung tay tháo gỡ nút thắt

Thưa ông, khi nhìn vào số lượng trái phiếu sắp phải đáo hạn trong thời gian tới thì có thể thấy áp lực thị trường đang ngày càng lớn, đặc biệt trong quý IV này. Theo ông, giải pháp nào để giảm áp lực đáo hạn cho trái phiếu doanh nghiệp?

Gia hạn trái phiếu là giải pháp tốt nhất mà các doanh nghiệp hiện nay có thể làm. Các trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để xoay sở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, muốn giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm cho các doanh nghiệp thì rất cần sự cảm thông, chia sẻ của các trái chủ. Những trái chủ không chấp nhận cho doanh nghiệp giãn nợ thì cũng sẽ mất phần nhiều tiền đầu tư vào trái phiếu.

Cho nên, các trái chủ cần giúp doanh nghiệp hoãn, giãn nợ trái phiếu. Hoặc tốt nhất, trái chủ đồng ý hoán đổi trái phiếu thành tài sản như nhà ở hình thành trong tương lai hoặc là cổ phần doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian, cơ cấu tài chính tốt hơn để vượt bão.

Ông có dự báo gì về những rủi ro và cơ hội trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Tôi vẫn khá thận trọng với thị trường trái phiếu. Bởi vì, trong ngắn hạn, sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào tình hình làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, xuất khẩu. Nếu các ngành sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu tốt lên thì thị trường bất động sản và trái phiếu bất động sẽ có cơ hội phục hồi.

Cảm ơn ông về buổi trao đổi.