Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối quý III/2024, cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội (NOXH) mới được triển khai trên toàn quốc với gần 5.000 căn hộ. Trong số này có 1 dự án đã hoàn thành tại tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 200 căn; 4 dự án đã chính thức khởi công xây dựng quy mô 2.084 căn; 3 dự án mới được cấp phép có quy mô 2.676 căn.
Người thu nhập thấp phải mua chênh hàng trăm triệu đồng
Tại buổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển NOXH, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng đề cập đến vấn đề đối tượng được tiếp cận NOXH đôi khi chưa đúng, chưa đảm bảo đúng quy định. Thậm chí tồn tại tình trạng người sở hữu NOXH nhưng không thuộc diện ưu đãi, không phải người thu nhập thấp, hộ nghèo…
Cũng theo bà Nga, mặc dù trang 71 của Báo cáo giám sát chỉ rõ các địa phương cơ bản tuân thủ quy định pháp luật khi xét duyệt đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng rao bán nhà ở xã hội trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, ngay cả khi một số dự án còn chưa nghiệm thu.
Thực tế, tại Hà Nội, nhiều người dân cho biết khi liên hệ với chủ đầu tư qua tổng đài để mua NOXH, họ thường không nhận được thông tin rõ ràng về thời điểm mở bán hay các thủ tục cần thiết. Ngược lại, chỉ cách khu dự án vài chục mét, văn phòng môi giới bất động sản cho biết họ đã có thể mua hàng trăm căn nhà từ dự án.
Khi liên hệ với môi giới để mua nhà, người dân thường được thông báo mức giá chênh lên đến 1 triệu đồng/m2 so với niêm yết Không mua NOXH tại văn phòng môi giới, nhưng chị Thu Hường (Đại Kim, Hà Nội) cho biết, thời điểm chị mua căn hộ đang ở có giá hơn 10 triệu đồng/m2, nhưng khi biết thông tin có dự án thì chủ đầu tư đã bán gần hết.
Theo đó, chị phải mua qua một người “có suất nhưng không dùng đến” với mức giá chênh hơn 100 triệu đồng. Gần đây nhất, tại dự án NOXH NHS Trung Văn, sau khi rà soát 149 danh sách bốc thăm trúng quyền mua nhà, đơn vị đã phát hiện 7 trường hợp không đúng đối tượng. Chủ đầu tư đã hủy quyền mua nhà của các trường hợp này.
Bên cạnh tình trạng mua chênh, nhiều dự án NOXH đang có tới hàng trăm người nước ngoài thuê ở lâu dài. Đơn cử, trong tháng 10, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xác nhận việc có nhiều người nước ngoài đang sống trong 3 dự án NOXH trên địa bàn là Evergreen, Vân Trung và Nội Hoàng.
Hay như Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng cung cấp danh sách, hồ sơ, tài liệu của các cá nhân, hộ gia đình có dấu hiệu mua bán, cho thuê, sử dụng nhà ở xã hội (đặc biệt liên quan đến các đối tượng người nước ngoài) trái quy định pháp luật.
Tăng cường các biện pháp quản lý
Thượng tá Nguyễn Tiến Trung, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, những khu NOXH mới đưa vào vận hành thường gặp khó khăn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan với Công an về số người được mua hay quản lý từ chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, việc quản lý tạm trú, tạm vắng của cả người Việt Nam và người nước ngoài chưa được triệt để.
Quá trình mua nhà ở xã hội phải qua nhiều bước thẩm định, quy định cũng cấm bán hoặc cho thuê trước 5 năm nhưng thiếu biện pháp xử lý. Điều này tạo cơ hội cho việc sang nhượng hoặc cho thuê kiếm lời, trong khi người thực sự có nhu cầu ở lại khó tiếp cận, gây bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất cần bổ sung nội dung nhằm tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu NOXH cũng như quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội, giúp phát hiện và xử lý các sai phạm liên quan.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng theo quy định pháp luật; đồng thời đưa ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi từ chính sách. Bên cạnh đó, nguồn cung NOXH hiện vẫn còn hạn chế, tình trạng dư thừa quỹ đất cho nhà ở thương mại nhưng thiếu đất cho NOXH vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Để tạo điều kiện giúp người dân dễ tiếp cận hơn với NOXH, đại biểu đề xuất cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu và ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.
Ngoài ra, cần bảo đảm đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các chính sách phát triển loại hình nhà ở này, bao gồm chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách các thủ tục xét duyệt cho vay nhằm tránh tình trạng chính sách tốt nhưng bị cản trở bởi nhiều thủ tục phức tạp.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, Nghị định 16/2022 của Chính phủ đã quy định rõ về việc xử phạt hành vi rao bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện, với mức phạt áp dụng cho cả bên bán lẫn bên mua, kèm biện pháp thu hồi nhà hoặc hoàn trả tiền cho người mua hoặc thuê mua. Tuy nhiên, ông Châu nhận định rằng mức phạt hiện tại, thường dưới 100 triệu đồng, vẫn chưa đủ tính răn đe so với giá trị của một căn nhà ở xã hội. Do đó, cần có chế tài nghiêm khắc hơn để kiểm soát tình trạng này.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian tới sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở; đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương. Bộ cũng sẽ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến các quy định pháp luật mới được thông qua về phát triển nhà ở xã hội, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan như Luật quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...