Cảnh báo không gian mạng tuần cuối cùng của năm : Lừa đảo tiền lì xì, khuyến mãi tri ân gây nhức nhối

Theo báo cáo an ninh mạng vừa được Cục an toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong tuần cuối cùng của năm Giáp Thìn, các chiêu trò lừa đảo mạo danh công an địa phương, nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty điện, nước, thông báo chương trình tri ân, lì xì online trở nên nở rộ. Nhiều hình thức lừa đảo khác như kêu gọi từ thiện giả mạo, lừa đảo cơ quan bảo hiểm xã hội… để chiếm đoạt tiền của người dân cũng trở nên nhức nhối.

Đầu tiên, với thủ đoạn mạo danh để lừa đảo dịp Tết, các đối tượng thường tự xưng là công an địa phương, nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty điện, nước thông báo chương trình tri ân dịp tết, lì xì online… để yêu cầu người dân cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân hoặc đe dọa đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng; mời mở thẻ tín dụng, hỗ trợ chuyển tiền, đe dọa sẽ cắt điện nước…

Trong dịp giáp Tết, các đối tượng lừa đảo còn có thể mạo danh những thương hiệu uy tín hoặc người thân, bạn bè gửi tin nhắn, email thông báo khách hàng được nhận lì xì qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc quà tặng gửi đến tận nhà.

Với các thủ đoạn lừa đảo mạo danh này, các đối tượng sẽ gửi đường link lạ, mã QR là trang website, phần mềm giả mạo hoặc đường dẫn chứa virus nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân thông qua các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram, Messenger… Khi truy cập vào những ứng dụng, đường link này, nạn nhân sẽ phải nhập các thông tin cá nhân, thông tin thanh toán là thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ, mật khẩu, mã OTP. Sau đó đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin này để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Những thông tin cá nhân chúng chiếm dụng được cũng có thể bị lợi dụng để bán đi, phục vụ cho những mục đích lừa đảo, phạm pháp về sau.

lua-dao-mao-danh-ly-xi-1737950300.webp
Lợi dụng nhu cầu của người dân trong dịp cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo đang mạo danh các cơ quan chức năng, các tổ chức để lừa đảo người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu đổi tiền, lì xì cho người thân.

Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân khi đứng trước nhu cầu đổi tiền để lì xì tết. Các đối tượng lừa đảo sử dụng các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử tiếp cận khách hàng có nhu cầu và yêu cầu cọc tiền trước hoặc trả trước toàn bộ số tiền cần đổi. Sau khi nhận tiền, đối tượng sẽ cắt liên lạc, không đổi tiền theo thỏa thuận, đưa không đủ tiền, chuyển tiền giả cho người dân.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) một lần nữa khuyến cáo người dân tuyệt đối cảnh giác trước các cuộc gọi hoặc tin nhắn lạ. Hãy thực hiện xác minh, kiểm chứng thông tin qua các kênh chính thống và kiểm chứng thông tin về website/đường link. 

Đối với các giao dịch ngân hàng, người dân cần đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không còn sử dụng; chỉ đăng nhập tài khoản ngân hàng với những thiết bị đáng tin cậy. Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, quét mã QR lạ, cài đặt và cấp quyền truy cập các phần mềm lạ. Đối với các phần mềm như VNEID, Dịch vụ công, ứng dụng ngân hàng… người dân chỉ nên tải các phần mềm trên chợ ứng dụng của điện thoại (App Store đối với iOS, CH Play đối với Android); đồng thời kiểm tra lượt tải, đánh giá của ứng dụng trên chợ ứng dụng trước khi quyết định tải phần mềm. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Trong thời điểm nhạy cảm giáp Tết này, một hình thức lừa đảo phổ biến cũng được Cục cảnh báo tới người dân là việc lợi dụng kêu gọi từ thiện để lừa đảo. Mới đây, Cục cũng đã ghi nhận một trường hợp giả mạo bác sĩ bệnh viện hoặc sinh viên thực tập tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, chuyển tiền cho một bệnh nhân sinh năm 1987, quê ở tỉnh Phú Thọ. Bài đăng nêu trường hợp một bệnh nhân bị tai nạn gãy cổ và bị chồng bỏ lại bệnh viện do chi phí quá cao. Kèm theo lời kêu gọi từ thiện là hình ảnh bệnh nhân và số tài khoản ngân hàng. Bài đăng sau đó được nhiều người tự xưng là bác sĩ, thực tập sinh của bệnh viện chia sẻ lại. 

1-2-1737950435.jpg
Các thông tin lừa đảo kêu gọi từ thiện nở rộ và diễn biến phức tạp dịp cận Tết nguyên đán.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành Hồ Chí Minh đã lên tiếng khẳng định không có bệnh nhân nào như hình ảnh, thông tin, tình trạng như các bài đăng; đồng thời, không có bác sĩ và sinh viên thực tập đi kêu gọi tình thương và chuyển tiền từ thiện.

Đây là thủ đoạn lừa đảo đánh vào sự thiện tâm của nhiều người. Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ. Chỉ nên theo dõi các trang uy tín để cập nhật tin tức chính xác nhằm hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng. Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Chiêu thức lừa đảo mạng thứ ba được đề cập trong bản tin cảnh báo an ninh mạng tuần qua của Cục An toàn thông tin là việc giả danh viên chức ngành BHXH gọi điện thoại trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế , bảo hiểm thất nghiệp hoặc tạo các trang Fanpage Facebook, Zalo giả mạo ngành bảo hiểm xã hội nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Với chiêu trò này, những kẻ lừa đảo thường sử dụng nhiều kịch bản bao gồm yêu cầu thanh toán số tiền còn thiếu liên quan đến BHXH, đe dọa ngừng các dịch vụ, quyền lợi, nghĩa vụ hoặc trợ cấp từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội…. gây tâm lý hoang mang cho người dân và dễ dàng thực hiện theo các yêu cầu của chúng.

2-4-1737950534.jpg
Lừa đảo mạo danh cơ quan BHXH dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng do tính chất phức tạp, các kịch bản tinh vi vẫn khiến nhiều người sập bẫy.

Đây chỉ là hành vi mạo danh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân. Khi bắt gặp những tình huống tương tự, có liên quan, người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, bỏ qua những tin nhắn yêu cầu thanh toán tiền liên quan đến ngành bảo hiểm xã hội, không kết bạn Zalo, không gọi điện xác nhận, không trả lời tin nhắn, không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt... cho người lạ để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.