Nhận kết quả sau 5 ngày nộp hồ sơ
Tính từ ngày 19/2, công tác cấp, đổi giấy phép lái xe đã được chuyển từ ngành Giao thông vận tải sang ngành Công an. Lo lắng có những thay đổi trong thủ tục, trước ngày chuyển giao này, rất đông người dân đã tập trung đông đúc tại các trung tâm cấp phép để làm thủ tục chuyển đổi giấy phép, tham gia thi sát hạch. Thậm chí, nhiều người giấy phép còn giá trị sử dụng khá dài.
Sự gia tăng đột biến nhu cầu này đã khiến nhiều điểm tiếp nhận hồ sơ quá tải. Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã buộc phải đưa ra khuyến cáo để giảm tải tại các điểm cấp đổi giấy phép lái xe.

Ngày 23/2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông báo, đơn vị đang tích cực triển khai việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, nguyên tắc quan trọng nhất là đảm bảo không có gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục hoạt động liên tục.
Hiện nay, ngành Công an đang khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ, huấn luyện lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sát hạch viên, đồng thời nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm để phục vụ người dân một cách thuận lợi nhất.
Theo kế hoạch, người dân có thể thực hiện thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ trực tiếp. Đối với thủ tục trực tuyến, người dân sẽ truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Bộ Công an, kê khai theo hướng dẫn và thanh toán lệ phí qua hệ thống trực tuyến.
Sau 5 ngày làm việc (nếu sử dụng dịch vụ bưu chính), kết quả giấy phép lái xe sẽ được chuyển đến tay người dân, dữ liệu điện tử sẽ được cập nhật tự động qua hệ thống tra cứu của Cục CSGT và ứng dụng VNeID.
Người dân có thể sử dụng VNeID để xuất trình giấy phép lái xe khi kiểm tra và lực lượng CSGT cũng có thể kiểm tra, xác thực giấy phép qua ứng dụng này bằng mã định danh cá nhân.

Hướng dẫn cấp, đổi giấy phép lái xe
Đối với việc đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe trực tiếp, người dân cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và gửi trực tiếp đến phòng CSGT công an cấp tỉnh hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi có điểm tiếp nhận hồ sơ.
Tại đây, người dân sẽ được hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết như chụp ảnh và nộp lệ phí đổi giấy phép lái xe. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, kết quả sẽ được trả trong vòng 5 ngày làm việc.
Hồ sơ đổi giấy phép lái xe bao gồm:
Đơn đề nghị đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu (người dân có thể điền tại điểm tiếp nhận);
Giấy khám sức khỏe của người lái xe, do cơ sở khám chữa bệnh đủ tiêu chuẩn cấp, còn hiệu lực (trừ người có giấy phép lái xe hạng A1, A, B1);
Bản sao hoặc bản sao điện tử chứng thực từ bản chính, hoặc bản sao điện tử cấp từ sổ gốc của giấy phép lái xe, hoặc Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ đối với trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp;
Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Cục CSGT cho biết, việc cấp, đổi giấy phép lái xe sẽ được thực hiện ngay sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thông tin sẽ được công khai rộng rãi để người dân dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
Bên cạnh việc cấp đổi bằng lái, nhiều người cũng lo lắng về việc liệu có thay đổi gì trong việc đào tạo lái xe và cơ quan nào sẽ quản lý hoạt động này? Trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, ông Lương Duyên Thống - Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, sau khi nhiệm vụ sát hạch và cấp giấy phép lái xe được chuyển giao cho Bộ Công an, các cơ sở đào tạo lái xe hiện tại vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, không có sự thay đổi.
Cụ thể, các cơ sở đào tạo lái xe và công tác quản lý hoạt động đào tạo lái xe sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định 160/2024/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 35/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động đào tạo lái xe, sát hạch lái xe, cấp và sử dụng giấy phép lái xe quốc tế, cùng với đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Các cơ sở đào tạo lái xe vẫn thuộc sự quản lý của ngành Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục là cơ quan duy nhất quản lý hoạt động đào tạo lái xe. Các quy định liên quan đến hình thức đào tạo lái xe, điều kiện kinh doanh của cơ sở đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và chương trình đào tạo lái xe vẫn sẽ được thực hiện theo Nghị định 160 và Thông tư 35, dưới sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Về phía học viên, khi hoàn thành khóa đào tạo tại các cơ sở được quản lý bởi ngành Giao thông vận tải thì sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học từ cơ sở đào tạo. Sau đó, các đơn vị thuộc Bộ Công an sẽ tổ chức kỳ sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho học viên đạt yêu cầu.