Ăn cơm rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ có bị "dính" nồng độ cồn dưới góc lý giải của chuyên gia

Việc ăn các thực phẩm lên men rượu như cơm rượu nếp, nếp cẩm lên men có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, nhưng ở mức rất thấp, nên chỉ khoảng 20 - 30 phút sau là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

Mùng 5/5 Âm lịch theo truyền thống của người Việt là Tết Đoan Ngọ, mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, không bị sâu bọ phá hoại, cũng là dịp cả gia đình đoàn viên. Vào ngày này, người Việt sắm sửa một mâm cúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Theo phong tục của mỗi vùng và từng gia đình mà trên mâm cúng ngoài hoa, trái cây chua sẽ có thêm một số sản vật truyền thống như cơm rượu nếp, bánh gio.

tet-doan-ngo-1718001820.jpg
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Theo dân gian, cơm rượu nếp và hoa quả chua phải ăn khi vừa ngủ dậy. Những năm trước, cơm rượu nếp được rất nhiều người lựa chọn để “diệt sâu bọ” vào sáng sớm. Tuy nhiên, năm nay không ít người băn khoăn lo lắng về việc sau khi ăn cơm rượu nếp có thể sẽ bị xử phạt liên quan tới nồng độ cồn do đây là thực phẩm lên men tự nhiên nên sẽ chứa một lượng cồn nhất định.

Nhiều người cho rằng, để vừa có thể thưởng thức hương vị Tết Đoan Ngọ cổ truyền, vừa bảo đảm không vi phạm luật an toàn giao thông thì tốt nhất nên ăn cơm rượu nếp vào những thời điểm thích hợp, khi không phải lập tức ra đường hoặc khi đã về nhà vào buổi tối...

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, việc ăn các thực phẩm lên men rượu như cơm rượu nếp, nếp cẩm lên men có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng. Bởi nếu sử dụng một lượng vừa phải các sản phẩm này thì hàm lượng ethanol (cồn) là rất nhỏ nên chỉ khoảng 20 - 30 phút sau là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

tet-doan-ngo-1-1718001820.jpg
Nhiều người lo lắng ăn cơm rượu nếp sẽ bị thổi nồng độ cồn

Theo tiến sĩ Bùi Lê Minh, khi ethanol được hấp thu vào cơ thể thì chỉ có khoảng 5 - 10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Còn 90 - 95% lượng ethanol được chuyển đến gan để xử lý. Do đó, các tài xế sau khi sử dụng thực phẩm có chứa lượng cồn nhỏ như trên, nên súc miệng kỹ và chờ khoảng 30 phút rồi mới tham gia giao thông để đảm bảo chắc chắn trong hơi thở không có cồn.

Cũng về vấn đề này, Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho hay, tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra theo chuyên đề về đo nồng độ cồn đều được quán triệt, tập huấn kỹ càng quy trình xử lý theo các bước nhất định.

Theo đó, khi bị dừng xe kiểm tra, người điều khiển phương tiện được hướng dẫn cụ thể về cách thổi vào thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Ngay sau đó, kết quả được in ra một bản giấy. Người điều khiển phương tiện nếu thừa nhận vi phạm, sẽ ký vào giấy báo kết quả đo và bị biên bản vi phạm hành chính.

Nếu phát sinh trường hợp kết quả đo khí thở có nồng độ cồn nhưng người vi phạm không thừa nhận việc đã sử dụng bia rượu hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, rượu nếp hay sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra.

Việc ăn hoa quả hay rượu nếp chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu. Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng cảnh sát giao thông sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác tuyệt đối.

Một số tập tục độc đáo Tết Đoan Ngọ

- Biếu vịt nhà bố mẹ vợ

Tại một số địa phương đặc biệt là các tỉnh miền Trung, vào Tết Đoan Ngọ, chàng rể thường mang biếu nhà bố vợ một chú vịt sống. Người xưa quan niệm con gái đi lấy chồng thì coi như mất. Về nhà chồng, con gái phải chăm lo từ những việc nhỏ cho đến lễ Tết lớn trong năm, không thể chăm sóc bố mẹ ruột. Chính vì thế mới có tập tục biếu vịt nhà bố mẹ vợ vào mùng 5/5 Âm lịch để con rể trả ơn.

- Tắm biển vào chính Ngọ

Đúng 12h ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Bình Định từ già đến trẻ sẽ ra biển tắm. Người dân đất võ quan niệm tắm biển vào giờ Ngọ ngày Tết Đoan Ngọ sẽ gột rửa xui xẻo. Nước biển cuốn hết mọi phiền toái, rắc rối, thậm chí "sâu bọ" và bệnh tật ra ngoài khơi, giúp đem lại may mắn.

- Đánh cây vào giờ Ngọ

Một nghi thức độc đáo trong ngày Tết Đoan ngọ là khảo cây, hay còn gọi là đánh cây. Vào giờ Ngọ của ngày Tết Đoan ngọ, người dân sẽ "đối thoại" với những cây “lười biếng” không chịu đơm hoa kết trái, hay những cây đã trở nên cằn cỗi, sâu bệnh.

Hai người làm lễ, một người leo lên cây, người còn lại sẽ dùng sống dao gõ vào cây, vừa đánh vừa hỏi. Người dân coi đây như một mẹo "đánh thức" khả năng sinh sản của những cây này.