Chuyện kỳ lạ về siêu bão giúp phát lộ đô thị cổ xưa

Không ai biết đến một đô thị cổ xưa, có niên đại 5.000 năm nằm sâu dưới lòng đất. Thế nhưng một trận siêu bão quét qua, bí mật vô tận được phát lộ.
z5810803285183-adc46da3473b183d703945578a8dd88b-1725870099.jpg
Đô thị cổ Skara Brae, nơi những người tiền sử định cư cách đây 5.000 năm

Orkney là một quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển phía bắc Scotland. Trên Mainland, hòn đảo lớn nhất, đi về phía tây có vùng đất gọi là Skara Brae, nơi nắm giữ những bí mật cổ xưa của loài người.

Theo học giả người Scotland, John Stuart Blackie, “thời gian là người cai ngục nghiêm khắc, nắm giữ chìa khóa của những bí mật vô tận dưới lòng đất”. Và quả thực, suốt một thời gian dài không ai biết ở Skara Brae có gì. Cho đến mùa đông năm 1850, một trận bão đã quét qua Scotland.

Mặc dù bão là chuyện thường xảy ra ở đây, nhưng cơn bão này rất khác. Đó là một siêu bão với sức tàn phá khủng khiếp, gây ra thiệt hại trên diện rộng, phá hủy nhà cửa, cây cối và khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Trận bão cũng tấn công Mainland, với cuồng phong và thủy triều bao trùm bờ vịnh Skaill. Khi sóng gió qua đi, mang theo đất và cỏ khỏi gò đất Skara Brae, dân làng bỗng phát hiện phía dưới là tàn tích của một đô thị cổ, với những ngôi nhà nhỏ không mái.

Công trình cổ xưa này thu hút sự tò mò của người dân, trong đó có William Graham Watt, con trai của lãnh chúa trong vùng. Không phải là nhà khảo cổ học nhưng có thừa đam mê với ngành địa chất, Watt đã tiến hành đào bới. Trong 18 năm, ông đã khai quật được bốn ngôi nhà cổ.

Công cuộc khai quật không có tiến triển nào thêm trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Việc bị lãng quên khiến Skara Brae bị đe dọa nghiêm trọng bởi các toán trộm cắp và cả thiên nhiên. Năm 1925, một cơn bão khác lại ập đến, cuốn đi một phần trong số các nhà cổ. Điều này đánh động sự quan tâm của chính phủ, và Giáo sư Gordon Childe ở Đại học Edinburgh được gửi đến Skara Brae vào giữa năm 1927 để thực hiện công tác khai quật và bảo tồn. Một bức tường chắn biển cũng được xây dựng để bảo vệ Skara Brae.

z5810803261762-880808b9e0ff780a9a361be9a43d8057-1725870322.jpg
 
z5810803335246-a4d10c01ec7087d99ffa6a549f37bbbf-1725870440.jpg
Bên trong một ngôi nhà bằng đá được tái hiện lại

Cuối cùng thì ngôi làng cổ xưa cũng lộ diện. Bằng phương pháp định tuổi bằng phóng xạ cacbon, ngôi làng thời tiền sử này có niên đại 5.000 năm. Những cư dân định cư tại đây trong 600 năm, từ năm 3.100 đến 2.500 trước Công nguyên, vào thời kỳ đồ đá mới.

Họ sống trong những ngôi nhà bằng đá, được xây dựng và thiết kế vói bố cục tương tự nhau. Nó bao gồm một phòng đơn có tủ đựng đồ để chứa những đồ vật quan trọng nằm đối diện lối vào. Trên sàn và tường có các hộp đựng đồ và tủ âm lưu trữ. Giường được bố trí hai bên lò sưởi, được đặt chính giữa phòng. Giường của người chồng lớn hơn còn giường của người vợ nhỏ hơn. Nhiên liệu để đốt có thể là than bùn và rong biển khô.

Thực tế là những ngôi nhà giống nhau, được liên kết bằng các lối đi có mái che, cho thấy cộng đồng cư dân Skara Brae sống rất bình đẳng và gần gũi. Những chiếc xương được tìm thấy cũng cho biết, họ là những người chăn nuôi gia súc và cừu. Họ trồng lúa mạch và lúa mì với công cụ lao động là những chiếc cuốc chim bằng xương, đồng thời săn hươu, bắt cá và ăn quả mọng.

Trong khu định cư có một ngôi nhà đứng tách biệt và không có giường hoặc tủ quần áo. Những mảnh đá lửa tìm thấy trên sàn nói lên rằng đây là một xưởng làm các công cụ bằng đá và xương, bên cạnh chế tác đồ gốm bằng đất sét, kim, cúc áo, mặt dây chuyền và các đồ vật bằng đá khác.

Trở lại với các ngôi nhà dành cho mỗi gia đình, chúng đều có một cánh cửa có thể được khóa bằng thanh gỗ hoặc xương cá voi nhằm đảm bảo sự riêng tư. Giữa các phiến đá xếp chồng lên nhau, người ta cũng tìm thấy hỗn hợp giống đất sét cứng và rác thải sinh hoạt. Chúng giúp tăng mối liên kết, đồng thời cách nhiệt và giữ ấm. Ngoài ra, vài ngôi nhà có một tiền sảnh nhỏ dẫn đến một cống đá. Nhiều khả năng đây là hệ thống nhà vệ sinh với đường thải được dẫn ra khỏi làng.  

z5810803316700-97a0a8ca770fbe6ea9e5bb37b95d7f95-1725871043.jpg
Người xưa đã biết chọn những khu vực đất đai màu mỡ để xây dựng nhà cửa

Cách đây hàng ngàn năm, Skara Brae cách xa biển và được bao quanh bởi đất đai màu mỡ, đồng thời nhiệt độ ấm hơn hiện tại. Vì vậy, nơi đây trở thành khu định cư lý tưởng và các nhà khoa học tin rằng cộng đồng người tiền sử sinh sống trong nhiều ngôi nhà hơn, nhưng theo thời gian đã bị biển nhấn chìm phần lớn. Cũng có nhiều bằng chứng về việc xây dựng và cải tạo nhà cửa. Có những ngôi nhà mới, được tận dụng vật liệu từ những tòa nhà cũ hơn.

Vậy tại sao sau 600 năm sinh sống, Skara Brae lại bị bỏ hoang? Một giả thuyết phổ biến là họ rời đi đột ngột để thoát khỏi một cơn bão cát. Tuy nhiên nhiều đồ vật quan trọng bị bỏ lại mang đến cảm giác người ta đã có những đồ mới tốt hơn, và quá trình rời đi diễn ra dần dần trong 20 hoặc 30 năm. Có thể thế hệ sau tìm ra nơi định cư khác, hoặc tạo nên những trang trại riêng, điều khá phổ biến ở thời kỳ đồ đồng.

z5810803261782-9a3ee3457b57041bbd512931a5b8c48e-1725871851.jpg
 

Dù sao thì những bí ẩn này càng khiến Skara Brae trở nên quan trọng. Thật ngạc nhiên khi xuất hiện một đô thị vào trước thời điểm các kim tự tháp Ai Cập được xây dựng, sau đó phát triển thịnh vượng trong nhiều thế kỷ trước khi công trình đá lớn Stonehenge khởi công. Và sau hàng ngàn năm, ngôi làng vẫn còn nguyên vẹn, trước sự bảo vệ, sau đó khai quật bởi chính thiên nhiên.