Đồng Nai sắp có 3 dự án NOXH với quy mô hơn 2.700 căn hộ

Đồng Nai vừa phát đi thông báo kêu gọi đầu tư cho 3 dự án NOXH trên địa bàn trong năm 2024. Các dự án này thuộc TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom với tổng diện tích hơn 7,5ha, quy mô hơn 2.700 căn hộ.

Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm thực hiện 3 dự án NOXH trên địa bàn. Đây được xem là động thái tích cực của địa phương nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện 12 dự án với hơn 13.000 căn NOXH giai đoạn 2024 – 2025, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và người lao động thu nhập thấp trên địa bàn.

Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, 3 dự án NOXH cần tìm nhà đầu tư lần này là: Dự án NOXH tại khu đất chung cư thuộc Khu tái định cư phường Long Bình (TP. Biên Hòa); Dự án NOXH tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom); Dự án NOXH tại phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa).

nha-o-xa-hoi-dong-na-1726802064.jfif
Đồng Nai đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 12 dự án NOXH trên địa bàn. Trong ảnh là 1 góc của TP. Biên Hòa nhìn từ trên cao (Ảnh: Hà Anh Chiến - Lao động)

Theo đó, dự án NOXH tại khu đất chung cư thuộc Khu tái định cư phường Long Bình (TP. Biên Hòa) có diện tích 2,4ha, tổng mức đầu tư hơn 1.135 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư). Dự án dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.248 căn hộ. Hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện trước 9h sáng ngày 14/10/2024.

Để tham gia thực hiện dự án này, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu hơn 227 tỷ đồng và có kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự. Dự kiến tiến độ thực hiện giai đoạn 2025 – 2028. Trong đó, hoàn thiện các thủ tục pháp lý vào cuối năm 2025, từ đầu năm 2026 – 2027 triển khai xây dựng, đầu năm 2028 hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Dự án NOXH tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) được xây dựng trên khu đất có diện tích 3,5ha, tổng mức đầu tư 733 tỷ đồng với khoảng 956 – 963 căn hộ. Mục tiêu của dự án là nhằm đầu tư, xây dựng NOXH để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH theo quy định trên địa bàn huyện Trảng Bom. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện trước 9 giờ sáng ngày 14/10/2024.

Với dự án này, nhà đầu tư tham gia phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 147 tỷ đồng, có kinh nghiệm đầu tư hoặc tham gia xây dựng công trình, dự án tương tự. Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 48 tháng, cụ thể: 12 tháng đầu hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng; 30 tháng tiếp theo thi công xây dựng; 6 tháng còn lại nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

nha-o-xa-hoi-dong-nai-1726802421.jpg
Một khu NOXH công nhân hơn 2ha tại khu thương mại dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Ảnh: Cổng thông tin huyện Trảng Bom)

Dự án NOXH tại phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) có diện tích 0,64ha, tổng vốn đầu tư là 648 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư), quy mô 520 căn hộ chung cư. Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là trước 9 giờ sáng ngày 30/9/2024.

Sở KH&ĐT yêu cầu nhà đầu tư tham gia dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 130 tỷ đồng và có kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự. Thời gian triển khai từ tháng 2025 – 2028. Trong đó, trước tháng 12/2025 phải hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đấu thầu, giao đất, môi trường, thiết kế, cấp phép xây dựng; từ đầu năm 2026 - 2027 thi công xây dựng; năm 2028 đưa vào khai thác kinh doanh.

Cả 3 dự án này đều có thời gian hoạt động là 50 năm (kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư).

Trước đó vào hồi tháng 7/2024, Đồng Nai cũng chào mời nhà đầu tư quan tâm thực hiện 3 dự án NOXH. Các dự án gồm: Khu NOXH ChC1 và ChC2 thuộc Khu tái định cư Quốc lộ 1A  tại phường Phước Tân (TP. Biên Hòa); dự án Khu chung cư NOXH rộng hơn 2,1ha tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch); dự án Khu chung cư NOXH rộng 3,71 ha cũng tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch).

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho hay, hiện nay toàn tỉnh có 3.500 căn NOXH. Trong đó, chỉ có khoảng 1.500 căn nhà ở dành cho công nhân, 2.000 căn còn lại là nhà ở dành cho các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang. Do đó, số căn NOXH này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động thấp trên địa bàn tỉnh.