Gần 2.300 doanh nghiệp địa ốc ngừng hoạt động, chuyên gia chỉ giải pháp “hồi sinh”

Báo cáo mới đây của Tổng Cục Thống kê cho thấy, "sức khoẻ" của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn với gần 2.300 đơn vị ngừng hoạt động. Thực trạng đó, các chuyên gia đã chỉ ra giải pháp căn cơ để doanh nghiệp địa ốc"vượt bão".

Số liệu vừa công bố mới đây của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn buộc phải rút lui khỏi thị trường vẫn chưa dừng lại.

Cụ thể, trong 2 tháng qua, có 2.280 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt hoạt động, 248 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 13 đơn vị so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ có 552 doanh nghiệp thành lập mới và 843 doanh nghiệp quay lại thị trường.

Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), một số doanh nghiệp họ đã kiệt sức do phải gồng mình chống chọi suốt thời gian dài vừa qua.

Chuyên gia này đánh giá nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn; cạn nguồn vốn; thị trường bất động sản trầm lắng bắt đầu từ 2022 và đến nay dù có nhiều biện pháp gỡ khó từ Chính phủ; vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá; các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tiếp cận tín dụng vẫn chưa thuận lợi;... 

Hơn 2.200 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt hoạt động trong 2 tháng đầu năm.

Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp địa ốc vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, các doanh nghiệp phải hết sức cầu thị, thà bán lỗ để cắt lỗ, còn hơn giữ hàng để càng lỗ to hơn. 

Chủ tịch HoREA phân tích, việc giảm giá phải đi vào đúng thực chất, không giảm theo kiểu nhất thời. Đáng chú ý, căn cơ nhất là doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thực mua nhà để ở và loại trừ đối tượng đầu cơ. 

Đối với những dự án có căn hộ lớn đang tồn kho cần chia thành từng căn hộ nhỏ để giảm giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng. Từ đó, người có nhu cầu ở thực có thể mua được nhà với mức giá mềm hơn.

Sau cùng, Chủ tịch HoREA mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và nhà ở bình dân vừa túi tiền.

Cùng bàn về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia bày tỏ, các doanh nghiệp bất động sản vẫn cần đẩy mạnh cơ cấu lại bộ máy hoạt động, sản phẩm, thị trường, dự án trong giai đoạn này. Đặc biệt, quyết liệt hơn trong câu chuyện cơ cấu giá bán các sản phẩm bất động sản để phù hợp với nhu cầu thực tế của người mua.

Thị trường bất động sản năm 2024 sẽ còn thách thức.

Ông Lực chỉ ra, sau khoảng thời gian thách thức vừa qua, doanh nghiệp địa ốc nên xác định lại một phương hướng hoạt động mới. Từ đó, có thể thích ứng tốt hơn với thị trường và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Phương hướng phát triển mới vị chuyên gia gợi ý là bất động sản xanh.

Đánh giá về tình hình thị trường chung trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ là một năm thách thức đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, từ những thách thức sẽ mở ra các cơ hội lớn để thị trường tăng tốc trong thời gian tới. Việc ra hàng của nhiều dự án mở bán cuối năm 2023 tại TP.HCM và Hà Nội là dẫn chứng cho thấy thị trường đang trên đà phục hồi.

Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, hành lang pháp lý cũng đang hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường thời gian tới. Đây sẽ là tiền đề cho thị trường địa ốc qua vùng đáy.