Giải quyết bạo lực học đường từ chính góc nhìn của trẻ

Em Lê Hoàng Nguyên (Vĩnh Long) cho rằng, mỗi học sinh cần rèn luyện tinh thần kiên định, mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực học đường. Còn nhà trường cần thành lập thêm nhiều tổ sao đỏ truyền thông phòng chống bạo lực học đường.

Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng

Thời gian gần đây, bạo lực học đường ngày càng đáng lo ngại khi có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm cả trong và ngoài nhà trường. Không chỉ là vấn đề “động chân, động tay”, mà còn bạo lực về cả tinh thần, xúc phạm nhân phẩm. Thế nhưng, nhiều người còn thờ ơ, vô cảm, thậm chí cổ xúy cho các hành động này, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ. Không ít vụ đã gây hậu quả nghiêm trọng, để lại sự thiệt thòi, đau đớn về thể xác và tinh thần cho học sinh và gia đình.

bao-luc-hoc-duong-1-1727671098.jpg
Học sinh lớp 8 ở Vĩnh Long bị bạn đánh trong lớp (Ảnh cắt từ clip)

Những học sinh bị bạo lực thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp. Thậm chí, có em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung học tập. Những em chứng kiến hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng tâm lý, cảm thấy sợ hãi. Nguy hại nhất là học sinh đứng xem cũng hùa theo những kẻ bắt nạt.

Vụ bạo lực gây rúng động gần đây nhất xảy ra tại Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long). Một nam sinh lớp 8 của trường đã bị một nhóm bạn dùng mũ bảo hiểm, chổi, ghế… đánh dã man. Bị bạn hành hung, nam sinh ngồi co ro trên ghế sát tường của lớp, ôm đầu chịu trận trước tiếng reo hò, cổ vũ của các học sinh khác.

Đáng nói hơn, có một học sinh nhảy lên, dùng 2 chân đạp thẳng vào đầu nam sinh này và đạp liên tiếp vào đầu, cổ... Một học sinh khác còn dùng ghế gỗ ném vào người nam sinh. Nam sinh bị đánh đã phải nhập viện điều trị.

Hay như tại tỉnh Sóc Trăng, một nữ sinh Trường THCS Châu Văn Đơ bị bạn túm tóc, đánh liên tiếp ngay tại lớp học. Còn ở tỉnh Phú Thọ, công an đã vào cuộc điều tra vụ việc 2 nữ sinh Trường THPT Mỹ Văn (huyện Tam Nông) đánh nhau do mâu thuẫn trong chuyện yêu đương… trước sự chứng kiến của nhiều học sinh.

Góc nhìn của chính trẻ nhỏ

Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, 306 đại biểu là đội viên, thiếu nhi tiêu biểu cả nước tham gia các phiên thảo luận tổ thuộc phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024.

bao-luc-hoc-duong-1727671098.jpg
Vấn đề bạo lực học đường được chính học sinh đưa ra giải pháp trong phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" (Ảnh: Gia Hân/Thanh Niên)

Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, đại biểu nhí Lê Bảo Trung (Hà Tĩnh) cho hay, hiện nay nhan nhản các clip cổ xúy bạo lực trên mạng xã hội. Với tâm lý muốn thể hiện mình, muốn được chú ý, nhiều bạn nhỏ lựa chọn mạng xã hội. Tuy nhiên mạng xã hội lại không có công cụ kiểm soát tốt, không ít bạn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của mình.

Còn đại biểu nhí Đặng Minh Hoàng (Quảng Ninh) chia sẻ, một số gia đình vướng vào ly hôn, bố mẹ bận rộn, chỉ cung cấp về vật chất, thiếu quan tâm về thể chất, tinh thần. Thậm chí, có bố mẹ bạo hành khiến trẻ bị tổn thương, tự ti, hung hãn. Gia đình rất quan trọng trong hình thành tính cách và hành vi của trẻ, vì vậy cần dành nhiều thời gian trò chuyện để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con cái.

Hoàng dẫn chứng trường hợp bạn nữ ở Đông Triều (Quảng Ninh) bị bạn bè lột quần áo, quay clip, đăng lên mạng xã hội.

Do đó, Hoàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm soát, sàng lọc phim ảnh có nội dung liên quan đến bạo lực học đường.

Hiện nay các trường học chưa có các phòng tham vấn tâm lý, dù phòng tham vấn tâm lý vô cùng quan trọng. Bởi vì các bạn học sinh sẽ có một không gian rộng, thân thiện, có hoa và nhạc. Nhưng đặc biệt nhất là các thầy cô phụ trách tâm lý tôn trọng, yêu thương, nhẹ nhàng và giữ bí mật các câu chuyện của học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu nhí Lê Hoàng Nguyên (Vĩnh Long) cho rằng, mỗi học sinh cần rèn luyện tinh thần kiên định, mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực học đường. Về phía cha mẹ cũng cần quan tâm, nhất là độ tuổi học THCS đang phát triển, suy nghĩ chưa chín chắn. Còn nhà trường cần thành lập thêm nhiều tổ sao đỏ truyền thông phòng chống bạo lực học đường, thường xuyên liên lạc gia đình.

Trong khi đó, đại biểu nhí Hà Hoàng Linh (Hà Giang) tóm lược những giải pháp hạn chế bạo lực học đường như phát huy hiệu quả của hòm thư “điều em mong muốn” để học sinh bị xâm hại thổ lộ, triển khai email gia đình kiểm soát truy cập mạng Internet của học sinh, truyền thông nhiều hơn về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111…