Người dân đổ xô nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất: Lo lắng vì phải chờ...chốt thuế

Trong những ngày gần đây, do lo ngại giá đất mới tăng cao, người dân tại TP.HCM “chạy ngược , chạy xuôi” chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, cơ quan thuế ở các quận, huyện, TP Thủ Đức cho biết, chỉ tính tiền nghĩa vụ tài chính đối với những hồ sơ được chuyển sang cơ quan thuế từ ngày 31/7 trở về trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tạm ngừng áp dụng bảng giá đất điều chỉnh  với mức tăng bình quân 7 lần so với bảng giá hiện hành, thậm chí có nơi như ở huyện Hóc Môn có mức tăng đến 51 lần, nhưng người dân vẫn đổ xô đi làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất. Đa số những người này đều có chung 1 mối lo nếu không hoàn thiện sớm sẽ phải chi ra số tiền chuyển mục đích sử dụng đất ở mức cao, vượt khả năng chi trả.

Phải chờ cơ quan thuế

Khảo sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả liên quan đến đất đai của UBND huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận Gò Vấp, quận 12, TP Thủ Đức những ngày gần đây đều chứng kiến cảnh tượng đông nghịt người, phần lớn là những người chuyển quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Vợ chồng chị Minh Vy ( huyện Hóc Môn), ngay sau khi nghe thông tin thành phố chuẩn bị điều chỉnh giá đất, gia đình chị đã gấp rút xoay xở tiền để đi làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở mảnh đất nông nghiệp 300m2 của gia đình.

Tương tự, tại điểm làm hồ sơ của TP Thủ Đức, chị Hoàng Oanh có 20m2 đất nông nghiệp ở đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước) cho biết phải gấp rút đi làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được tính giá hiện tại là 6,2 triệu đồng/m2 nhưng đang được dự kiến lên đến 80 triệu đồng/m2.

dang-ky-dat-dai-1722947073.jpg
Người dân đổ xô đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất vì lo giá đất tăng cao

Với giá hiện tại, chị chỉ phải đóng tiền sử dụng đất 124 triệu đồng nhưng với giá mới thì số tiền phải đóng lên đến 1,6 tỉ đồng. Cũng ở TP Thủ Đức, anh Tuấn Tú (phường Hiệp Phú) cho biết phải gấp rút tìm hiểu, vay mượn tiền để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng cho thửa đất gần 150m2 mà gia đình đang sử dụng.

Bởi nếu không làm nhanh, thành phố áp mức giá mới thì số tiền phải đóng sẽ từ 300 triệu đồng lên hơn 6 tỉ đồng. “Con số này có đi làm cả đời gia đình tôi cũng không có được”, anh Tú chia sẻ.

Bên cạnh những người đi chuyển đổi mục đích , tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, nhiều người đi “tất toán nợ” với Nhà nước do nhiều năm trước đã làm chuyển đổi nhưng khó khăn về tài chính nên đã ghi nợ tiền sử dụng đất. Nếu không nộp sớm sẽ khiến số tiền bị “đội” lên gấp nhiều chục lần.

Tuy nhiên, tất cả những hồ sơ nộp sau ngày 1/8, cơ quan chức năng mới chỉ nhận chứ chưa tính tiền sử dụng đất. Theo lý giải của một lãnh đạo huyện Củ Chi, các hồ sơ liên quan đến đất đai tại địa phương đều được thực hiện liên thông, hồ sơ vẫn nhận bình thường nhưng để tính được tiền sử dụng đất theo mức giá cũ hay mới phải chờ ý kiến của Cục Thuế TP.HCM.

Nên dùng bảng giá đất cũ để xử lý hồ sơ cho người dân

Trước tình trạng phải chờ ý kiến về giá từ Cục thuế TP.HCM, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng, bất an, cho rằng “tại sao lại phải chờ, bảng giá đất mới chính thức áp dụng thì bảng giá hiện hành vẫn có hiệu lực”.

Chị Minh Vy ( huyện Hóc Môn) cũng bày tỏ quan ngại về việc khi thành phố áp dụng giá đất, cơ quan thuế sẽ gộp những hồ sơ nộp sau 1/8 đang chờ để tính theo bảng giá đất mới. Vậy thì cũng không hợp lý bởi đây đều là những hồ sơ nộp trước ngày bảng giá đất mới có hiệu lực.

ho-so-dat-dai-1722947163.png
TP.HCM chưa có bảng giá đất mới thay thế thì phải áp dụng bảng giá cũ và cơ quan thuế phải giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Trước lo ngại của người dân, luật sư Lê Thu Huyền (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Đất đai năm 2024 vừa có hiệu lực ngày 1/8 không có nội dung hồi tố và cho phép bảng giá đất hiện hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 hoặc điều chỉnh bảng giá đất tùy theo tình hình thực tế.

Như vậy, các hồ sơ của người dân đã được tiếp nhận, sẽ tiến hành việc áp giá theo quy định cũ khi bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM chưa được ban hành thì bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực đến 31/12/2025.

Bà Huyền kiến nghị, UBND TP.HCM cần ban hành một văn bản để xác định rõ việc chưa ban hành bảng giá đất mới nên vẫn giải quyết hồ sơ cho người dân theo quy định cũ. Như vậy, mới sớm gỡ vướng, tránh tình trạng để người dân phải chờ đợi, gây hoang mang dư luận.

Đồng quan điểm, luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, pháp luật hiện hành không cho phép hồi tố, do vậy, TP.HCM ban hành bảng giá đất mới vào thời điểm nào thì chỉ có hiệu lực và được phép áp dụng từ ngày ban hành về sau.

Hiện, TP.HCM chưa có bảng giá đất mới thay thế thì phải áp dụng bảng giá cũ và cơ quan thuế phải giải quyết thủ tục hành chính cho người dân dân. Việc dừng giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Tại Hà Nội, từ những ngày cuối tháng 7, người dân cũng xếp hàng dài trước cổng văn phòng đăng ký đất đai để gấp rút làm thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do lo ngại các luật mới về bất động sản có hiệu lực sẽ không tính lệ phí theo bảng giá đất mà theo khung giá đất sát với thị trường khiến số tiền phải nộp cao hơn nhiều.