IBM sa thải các nhóm R&D tại Trung Quốc, tác động mạnh mẽ tới cộng đồng công nghệ địa phương

Sau khi gã khổng lồ máy tính Mỹ là IBM sa thải hơn 1.000 nhân sự tại Trung Quốc, chủ yếu thuộc về các nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) đã khiến sự thất vọng dâng cao đối với người lao động của công ty tại đây.

Theo các hãng tin địa phương, IBM sẽ đóng cửa Phòng thí nghiệm phát triển Trung Quốc và Phòng thí nghiệm hệ thống Trung Quốc, đồng thời sa thải hơn 1.000 nhân viên tại các thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố cảng phía bắc Đại Liên.

Cuối tuần vừa qua, các nhân viên R&D của IBM tại Trung Quốc đã thấy mình bị chặn truy cập vào hệ thống mạng nội bộ của công ty. Công ty có trụ sở chính tại Armonk, New York (Mỹ) đã thông báo về việc cắt giảm việc làm trong một cuộc họp nội bộ vào sáng thứ Hai vừa qua. Một đại diện của IBM cho biết: "IBM điều chỉnh hoạt động của mình khi cần thiết để phục vụ khách hàng tốt nhất và những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ khách hàng của chúng tôi trên khắp khu vực Trung Quốc đại lục".

ibm-1724803352.jpg

Gã khổng lồ máy tính Mỹ là IBM đã đột ngột sa thải 1.000 nhân sự thuộc các nhóm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.

Người đại diện cho biết thêm, chiến lược tại địa phương của IBM “tập trung vào việc có đúng nhóm với đúng kỹ năng” để giúp các công ty Trung Quốc – đặc biệt là các công ty tư nhân – cùng sáng tạo các giải pháp đám mây lai và trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách tận dụng “chuyên môn đáng kể về công nghệ và tư vấn” của mình.

IBM là gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia mới nhất thực hiện cắt giảm việc làm tại Trung Quốc thời gian qua, khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ buộc các doanh nghiệp toàn cầu phải điều chỉnh hoạt động của họ tại Trung Quốc.

Việc cắt giảm việc làm rộng rãi trong năm nay đã ảnh hưởng đến người lao động tại Trung Quốc làm việc ở các công ty từ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson, nhà sản xuất xe điện Tesla đến gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.com và công ty chip Intel. Gần nhất, vào tháng 6 năm nay, Microsoft cũng đã tìm cách luân chuyển, đưa các chuyên gia AI hàng đầu về AI của mình rời khỏi Trung Quốc.

Ngay sau khi quyết định bất ngờ của công ty được công bố, nhiều nhân sự đã tập trung tại trụ sở của IBM ở địa phương để yêu cầu một buổi trao đổi thông tin minh bạch. Một hội nghị ngắn gọn với các Giám đốc điều hành ở Mỹ đã diễn ra ngay sau đó, trong vòng nửa giờ. Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ mà tờ South China Morning Post xem được và được một nhân viên xác nhận, cuộc họp chỉ kéo dài ba phút.

Trong cuộc họp, các giám đốc điều hành tại Mỹ đã nói với nhân viên, IBM đã quyết định chuyển một số hoạt động của Trung Quốc ra nước ngoài, viện dẫn động thái thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đại lục. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác đã khiến cho các nhân sự vừa bị sa thải thấy vô cùng thất vọng.

Tham gia cuộc gọi có Jack Hergenrother, Phó Chủ tịch phát triển hệ thống doanh nghiệp toàn cầu, Ross Mauri, Tổng Giám đốc máy tính lớn IBM Z và Danny Mace, Phó chủ tịch kỹ thuật phần mềm lưu trữ.

Bản ghi chép cho thấy, Hergenrother khuyến khích những công nhân bị ảnh hưởng sắp xếp các cuộc thảo luận riêng với người quản lý của họ, trong khi Mauri và Mace cảm ơn nhân viên vì những đóng góp của họ.

Một nhân viên ở Bắc Kinh cho biết, anh đã nói chuyện với người quản lý của mình, người cũng đã bị sa thải. Nhân viên đã được cung cấp các gói thôi việc dựa trên thời gian làm việc, cộng với 3 tháng lương nếu họ ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước ngày 13/9. Ngày làm việc cuối cùng của họ sẽ là ngày 31/10.

Việc đóng cửa hai phòng nghiên cứu của IBM tại Trung Quốc đã gây chấn động trong cộng đồng công nghệ địa phương. Trong nhiều năm, gã khổng lồ công nghệ này được coi là một trong những nhà tuyển dụng được mong muốn nhất đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành máy tính hàng đầu của quốc gia.

Một cựu nhân viên, có tên người dùng là "Room e" trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu cho biết, hầu hết các thành viên trong nhóm của anh tại Phòng thí nghiệm Phát triển Trung Quốc đều tốt nghiệp từ 10 trường đại học hàng đầu của đất nước vào đầu những năm 2000.

ibm-1724803446.jpg

IBM được coi là "cái nôi" của các kỹ sư Trung Quốc.

Thực tế, các công ty Mỹ đã mất đi sức hút đối với đội ngũ những nhân sự công nghệ cao trong những năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tự lực cánh sinh và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Vào năm 2014, các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng nhà nước - từng là khách hàng lớn của IBM, Oracle và EMC (sau này đã sáp nhập với Dell) - đã phát động chiến dịch “de-IOE” nhằm thay thế các sản phẩm của Mỹ bằng các sản phẩm thay thế trong nước.

Doanh số bán hàng của IBM tại Trung Quốc đã liên tục giảm trong những năm gần đây.

Theo báo cáo thường niên của công ty, năm 2023, doanh thu của IBM tại quốc gia này giảm 19,6% so với mức tăng 1,6% doanh thu trên toàn Châu Á - Thái Bình Dương. Doanh số tại Trung Quốc trong 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2024 giảm 5%, trong khi doanh thu tại Châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,4%.