Từ vụ xe cấp cứu cũng bị khóa bánh đến những quy định về xử lý đỗ xe sai quy định ở khu chung cư

Ngày 29/4, hình ảnh một chiếc xe cấp cứu bị khóa bánh khi dừng đỗ trước sảnh tòa nhà S1.10, Khu đô thị Oceanpark (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được chia sẻ, gây xôn vào trên mạng xã hội. Vụ việc này, lại một lần nữa khiến câu chuyện khóa bánh xe tại các khu chung cư "nóng" lên.

Báo cáo của Ban Quản lý Khu đô thị Oceanpark cho biết, khoảng 17h50 ngày 29/4, chiếc xe cứu thương được điều động đến để chở một cư dân tòa nhà bị thương đi cấp cứu. Chiếc xe cứu thương đã đậu trên vỉa hè tòa nhà, gần khu vực dành cho xe PCCC.

Lúc này, thấy chiếc xe cứu thương đỗ lâu tại khu vực cấm, nhân viên bảo vệ cũng không biết xe cứu thương đang làm nhiệm vụ vì phương tiện tắt máy, không hú còi cũng như không có tài xế ngồi trong xe nên đã khóa bánh.

Khóa bánh xe cứu thương xong, nhân viên bảo vệ vẫn đứng giám sát ngay cạnh. Khi cư dân bị thương được đưa xuống, bảo vệ đã mở khóa ngay, không chậm trễ.

khoa-banh-xe-o-to-1714459130.jpg
Xe cứu thương bị khóa bánh (Ảnh: Lê Quang)

Đại diện Ban Quản lý khu đô thị cho biết, bức ảnh trên mạng xã hội có thể được chụp đúng lúc người bị thương được đưa xuống, mà xe cứu thương chưa được mở khóa nên gây bức xúc cho mọi người. Dù vậy, đơn vị sẽ làm rõ vụ việc để có hình thức xử lý với nhân viên bảo vệ.

Vấn đề bảo vệ chung cư khóa bánh xe ô tô được rất nhiều người quan tâm. Trước đó, vấn đề này cũng từng nóng trên mạng xã hội khi anh N.V.T chia sẻ câu chuyện bản thân gặp phải. Anh T. cho biết, anh đến chung cư A chơi. Anh đỗ xe dưới chân chung cư để vào nhà người thân ở đó. Đến lúc về, anh thấy bánh xe ô tô của mình đã bị bảo vệ khoá. Khi anh yêu cầu mở khóa thì bị bảo vệ yêu cầu nộp phạt 50.000 đồng theo quy chế của chung cư này.

Câu chuyện của anh T. gây ra tranh cãi với những quan điểm trái chiều khác nhau trên mạng xã hội. Có người thì cho rằng bảo vệ có quyền khoá bánh xe và xử phạt, có người lại cho rằng xử phạt của bảo vệ là sai.

Năm ngoái, một đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, một người phụ nữ đậu xe ô tô màu đen bị bảo vệ nội khu khóa bánh xe và yêu cầu đóng phí bồi hoàn mới mở khóa. Đoạn clip khác, người đàn ông đậu xe ô tô màu trắng bị bảo vệ khóa bánh đã bức xúc cắt luôn khóa vì cho rằng anh đậu xe ở nơi không có biển cấm đậu.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Anh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 và Điều 7 quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định, đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng kết nối với chung cư thì được gọi là đường nội bộ thuộc sở hữu của nhà chung cư.

Nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hay thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.

khoa-banh-xe-o-to-1-1714459130.jpg
Câu chuyện bảo vệ chung cư khóa bánh xe ô tô gây nhiều tranh cãi

Theo đó, có thể chia làm 2 trường hợp là đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư hoặc không thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Đối với trường hợp phần đường không thuộc quản lý của chung cư, khu đô thị thì bảo vệ khóa xe ô tô, xử phạt tại các khu vực này là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và có thể bị xử lý theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với đường nội bộ thuộc sở hữu chung của nhà chung cư: Việc đỗ xe sai quy định có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014. Do đó, nếu bản nội quy quản lý, sử dụng chung cư có quy định về nội dung trên thì bảo vệ chung cư có quyền thay mặt ban quản trị chung cư quản lý, áp dụng các biện pháp xử lý như có quyền cấm dừng đỗ xe, khóa bánh xe ô tô đỗ tại khu vực này.

Còn việc xử phạt vi phạm hành chính thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Việc bảo vệ, ban quản trị nhà chung cư tiến hành xử phạt là không đúng với quy định pháp luật và trái thẩm quyền.

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội), pháp luật quy định bảo vệ chung cư chỉ có quyền khóa bánh ô tô đậu sai chỗ khi thỏa mãn 2 điều kiện:

Thứ nhất, vị trí đậu xe nằm trong diện tích đất dự án mà chủ đầu tư được giao, tức là diện tích đậu xe thuộc quyền quản lý và sử dụng riêng của chủ đầu tư cùng các cư dân sinh sống tại dự án đó. Việc quản lý, sử dụng đất thuộc dự án như thế nào (đặt biển cấm dừng, đỗ...) do chủ đầu tư và cư dân thống nhất, quyết định.

Thứ hai, trong quy chế (nội quy) quản lý, sử dụng chung cư có quy định bảo vệ được quyền khóa bánh xe đối với phương tiện đỗ sai quy định. Quy chế quản lý, sử dụng chung cư này phải được thông qua tại hội nghị cư dân toàn chung cư.

Về quyền xử phạt, pháp luật quy định thì chỉ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính. Thế nên, trường hợp quy chế quản lý, sử dụng chung cư có quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm là trái luật, không có cơ sở pháp lý để thực thi.

Tuy nhiên, hành vi đỗ xe sai quy định mà gây thiệt hại tới chung cư thì ban quản trị có quyền yêu cầu người vi phạm phải bồi thường. Nếu các bên không thống nhất, ban quản trị chung cư có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự.