Mạng xã hội có dưới 1.000 người sử dụng thường xuyên sẽ không phải xin cấp phép từ 25/12

Theo nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, dử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 25/12 tới đây thì các mạng xã hội có lượt truy cập dưới 10.000 hoặc có dưới 1.000 người dử dụng thường xuyên trong tháng sẽ không cần phải xin cấp phép với cơ quan chức năng.

Tại nghị định 147, sự phân loại các mạng xã hội trong nước đã có sự thay đổi. Đầu tiên là việc phân loại, mạng xã hội trong nước do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam cung cấp sẽ bao gồm 2 loại: Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn và mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp.

Trong đó, mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn được quy định có tổng số lượt truy cập thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong 6 tháng liên tục) từ 10.000 lượt trở lên hoặc có trên 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng. Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp, áp dụng ngược lại.

Đối với các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn, Nghị định 147 quy định phải tiến hành thủ tục xin cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội; trong khi đó các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp thì chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý để được cung cấp Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

mang-xa-hoi-1731989699.jpg
Các mạng xã hội trong nước có lượng người dùng dưới 1.000 người sẽ không cần phải xin cấp phép hoạt động kể từ 25/12 năm nay. (ảnh minh họa)

Tất cả các mạng xã hội trong nước đều phải kết nối đến hệ thống giám sát của bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc kiểm soát, thống kê, theo dõi lượng người dùng, lượng truy cập…

Đối với các mạng xã hội trong nước, Nghị định 147 nhấn mạnh quy định không được sử dụng thông tin của thành viên tham gia để phục vụ cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cho các tổ chức khác mà chưa được sự cho phép của các thành viên. Đồng thời, phải kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm Luật An ninh mạng chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm.

Các mạng xã hội trong nước phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm quy định của pháp luật theo yêu cầu bằng điện thoại; văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) hoặc qua phương tiện của các sở Thông tin và Truyền thông địa phương cũng như các cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, với quy định mới của Nghị định 147 đã tháo gỡ nhiều điểm khúc mắc trong quản lý các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội có lượng người dùng và lượng truy cập thấp. Tuy nhiên, dù không phải xin cấp phép, các mạng xã hội vẫn phải tuân thủ các quy định về kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng và các quy định khác của pháp luật về mạng xã hội.