Meta chính thức xác nhận Waterworth – dự án cáp ngầm dài nhất thế giới

Vào tháng 11 năm ngoái, Meta chuẩn bị cho một dự án cáp ngầm trị giá hơn 10 tỷ USD để kết nối toàn cầu. Mới đây, công ty đã chính thức xác nhận thông tin này. Dự án có tên Waterworth sẽ trở thành dự án cáp ngầm dài nhất thế giới với hơn 50.000 km.

Dự án cáp ngầm mới của Meta sẽ kết nối năm châu lục, với các điểm dừng chân tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và các khu vực quan trọng khác. Về lý do chính xây dựng mạng lưới cáp ngầm này, Facebook đặc biệt nhấn mạnh các cơ hội phát triển ở Ấn Độ và vai trò mà mạng lưới này sẽ đóng trong cách triển khai các dịch vụ AI trên toàn cầu.

cap-ngam-meta-1739665598.webp

Dự kiến đường đi của tuyến cáp quang ngầm dài nhất thế giới sẽ được Meta xây dựng trong nhiều năm tới.

Về mặt mạng lưới, Meta cho biết, họ sẽ tạo ra bước đột phá mới với kiến trúc của mình, sử dụng cáp 24 cặp sợi quang và phương pháp định tuyến đầu tiên thuộc loại này.

Thông tin về dự án được củng cố trong một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi được công bố hôm 14/2, trong đó nêu chi tiết một danh sách dài các lĩnh vực mà hai nước sẽ hợp tác. Một phần trong đó là cam kết cùng phát triển các công nghệ dưới nước như một phần của quan hệ đối tác quốc phòng và lưu ý về dự án Waterworth dài 50.000 km của Meta cũng như vai trò của Ấn Độ trong việc tài trợ một số dự án khác.

Về mục đích sử dụng cáp, các thông tin trước đó đề cập giả thuyết Meta đang hướng mục tiêu vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu AI và dịch vụ đám mây ở Ấn Độ.

Theo bài đăng do Phó chủ tịch kỹ thuật của Meta Gaya Nagarajan và giám đốc đầu tư mạng lưới toàn cầu Alex-Handrah Aimé, các lĩnh vực mà Meta sẽ đẩy mạnh từ việc phát triển tuyến cáp gồm “Truyền thông kỹ thuật số, trải nghiệm video và giao dịch trực tuyến. Dự án Waterworth sẽ là khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, kéo dài nhiều năm để tăng cường quy mô và độ tin cậy của các xa lộ kỹ thuật số trên thế giới bằng cách mở ra ba hành lang đại dương mới với khả năng kết nối tốc độ cao, dồi dào cần thiết để thúc đẩy đổi mới AI trên toàn thế giới”.

meta-1739666136.jpg

Một trong những mục tiêu chiến lược mà Meta hướng tới trong việc xây dựng tuyến cáp ngầm dài nhất thế giối là phát triển thị trường điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu AI tại Ấn Độ.

Đây không phải là dự án cáp ngầm đầu tiên của Meta, cũng không phải là công ty công nghệ lớn duy nhất xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm của riêng mình.

Theo các nhà phân tích viễn thông TeleGeography, Meta là một phần chủ sở hữu của 16 mạng hiện có, bao gồm cáp 2Africa bao quanh lục địa (một số nhà đầu tư khác trong các tuyến cáp đó gồm Orange, Vodafone, China Mobile, Bayobab/MTN, v.v.). Dự án cáp mới này sẽ là dự án đầu tiên do chính Meta sở hữu hoàn toàn.