Bắt giữ hàng loạt vụ thu gom mỡ động vật bẩn: Cảnh báo những tác nhân gây hại cho sức khoẻ

Mỡ động vật để lâu ngày trong các bao, túi nylon với điều kiện bảo quản kém chắc chắn sẽ bị biến đổi, hình thành các hợp chất gây độc cho con người như andehyt, oxy axit…

Từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, thu gom mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong những vụ việc này, cơ quan chức năng đều thu giữ tới hàng tấn mỡ bẩn.

Điển hình là vào tháng 1/2024, Công an TP. Hà Nội phối hợp Thanh tra sở Nông nghiệp tiến hành kiểm tra cơ sở do ông N.V.C. (thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh) làm chủ, phát hiện 3.220kg mỡ nước và 796kg tóp mỡ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

mo-ban-2-1716983549.png
Vụ thu giữ 3.220kg mỡ nước và 796kg tóp mỡ không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trấn Chi Đông

Hay ngày 13/3, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan phát hiện 1,4 tấn mỡ mỡ lợn không có nguồn gốc xuất xứ đang được vận chuyển trên xe tải để đưa đi tiêu thụ.

Mới đây nhất, phóng sự điều tra của VTV đã phát hiện nhiều cơ sở thu gom mỡ lợn, mỡ bò không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội. Đáng nói, trong số này có cơ sở vừa bị xử phạt vài tháng trước.

Cụ thể, cách đây 5 tháng, Công an TP. Hà Nội phối hợp Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở ở xã Hoà Bình (huyện Thường Tín). Chủ cơ sở khai nhận đã thu mua mỡ bò, óc lợn trôi nổi trên địa bàn, sau đó bán cho người dân, nhà hàng, bếp ăn, xưởng sản xuất xúc xích ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

mo-ban-1716983549.jpg
Cơ quan chức năng phát hiện 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn không rõ nguồn gốc tại xã Hoà Bình

Sau đó, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động. Chính quyền xã Hòa Bình cho biết, địa chỉ này thu gom mỡ của các hộ dân trong xã nhưng không xuất trình được hóa đơn đầu vào và hóa đơn bán ra. Cơ sở hoạt động đã nhiều năm nay, có đăng ký hộ kinh doanh thực phẩm, có giấy chứng nhận của hệ thống quản lý an toàn HACCP từ tháng 4 vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, địa phương không thể quản lý được vì hộ kinh doanh cá thể thuộc phòng kinh tế cấp phép, giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm lại là một cơ quan khác.

Được biết, tại xã Hòa Bình, hiện có 12 cơ sở thu gom mỡ đều bị đình chỉ hoạt động, trong số này có cơ sở thu gom mỡ bò, mỡ trâu lớn nhất huyện Thường Tín. Đoàn liên ngành của huyện Thường Tín cũng mới tiến hành tiêu hủy hơn 400kg mỡ động vật không rõ nguồn gốc.

mo-ban-3-1716983653.jpg
Cơ sở thu gom mỡ bẩn tại huyện Thường Tín (Ảnh: VTV)

Có nơi thu gom mỡ bẩn thì phải có nơi tiêu thụ. Huyện Thanh Oai là một trong những điểm đến của nhiều tấn mỡ và nội tạng không rõ nguồn gốc. Như tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai), có 30 hộ sản xuất xúc xúc giò chả thủ công quy mô nhỏ hộ gia đình, 5 cơ sở sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, chỉ một số ít cơ sở hợp tác để đoàn liên ngành kiểm tra. Còn nhiều cơ sở sản xuất xúc xích giò chả được yêu cầu kiểm tra thì xin dừng hoạt động.

Đại diện cơ quan chức năng huyện Thanh Oai cho biết, hiện nhiều cơ sở chế biến thực phẩm tại huyện này đã tạm dừng hoạt động để cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc của các loại nguyên liệu và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Mỡ động vật để lâu ngày trong các bao, túi nylon với điều kiện bảo quản kém chắc chắn sẽ bị biến đổi, hình thành các hợp chất gây độc cho con người như andehyt, oxy axit… Những hợp chất này khi xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa và tác động đến hệ thần kinh, tim mạch… Ngoài ra, không loại trừ khả năng vi khuẩn gây bệnh và vi nấm sinh độc tố tồn tại trong nguyên liệu mỡ gây ngộ độc cấp tính, tổn hại đến gan, thận, gây ung thư rất cao.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), mùi ôi, thối từ mỡ bẩn là do vi sinh vật tấn công phần bên ngoài của màng tế bào mỡ. Trường hợp mỡ bị thối thì mỡ đó có chứa độc tố, nếu mang mỡ đó chế biến lại thành mỡ hoặc tóp mỡ thì vi sinh vật bị chết nhưng độc tố thì không mất nên ăn vẫn rất độc.

Nhiều chuyên gia về công nghệ thực phẩm xác nhận, việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ heo bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường không thể loại trừ các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm.