Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu giá vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định về việc dừng đấu thầu vàng miếng và điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cơ quan này sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, NHNN sẽ dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.

Trước đó, NHNN đã tổ chức 9 buổi đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên chỉ có 6 phiên thành công với tổng khối lượng 48.800 lượng, tương đương 1,8 triệu tấn vàng.

nhnn-1716833874.jpg

Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng đấu thầu vàng và điều chỉnh phương án bình ổn thị trường

Trong phiên đấu thầu gần nhất tổ chức vào ngày 23/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu 13.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 88,72 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, sau hầu hết các phiên đấu thầu thành công, giá vàng đều có xu hướng tăng cao, đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng đã đạt đỉnh 92 triệu đồng/lượng; chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức 15 – 20 triệu đồng/lượng.

Tính đến ngày 27/5, sau một vài phiên hạ nhiệt, giá vàng lại về giao dịch ở mức 87,9-89,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng. 

Điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá giải pháp của NHNN chưa thực sự hiệu quả. Cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua còn nhiều lỗ hổng, giá đặt thầu tối thiểu còn cao dẫn đến việc các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.

Để "kéo" giá vàng trong nước sát với quốc tế, giới chuyên gia cho rằng, NHNN cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm thầu. Bên cạnh đó, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, cần phải sửa đổi Nghị định 24 cho giải pháp lâu dài, NHNN cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng.

Mới đây, để góp phần làm minh bạch thị trường vàng, NHNN đã chính thức thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của 2 ngân hàng Eximbank, TPBank và 4 công ty vàng SJC, PNJ, DoJI, Bảo Tín Minh Châu. Nội dung thanh tra là việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; phòng chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

thi-truong-vang-1716833802.jpg

Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng cơn sốt vàng đã lan ra nhiều quốc ra trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển

Nói về thị trường vàng, nhóm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, có nhiều giai đoạn không cần nhập khẩu vàng, không cần bỏ độc quyền, chênh lệch giá vàng vẫn được kiểm soát, giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới (giai đoạn 2016-2019). Ngược lại, có giai đoạn nhập khẩu vàng lớn nhưng chênh lệch giá vàng vẫn ở mức cao (giai đoạn 2014-2015).

Do đó, VEPR nhận định, chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu nên không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng để bình ổn giá. Trong tình hình này, các biện pháp hành chính như thanh tra, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng...trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn tiêu cực mà không tốn ngoại hối, mang lại hiệu quả ngay tức thì.

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng cơn sốt vàng đã lan ra rộng ra toàn thế giới. Cụ thể, nhu cầu vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu tăng 17% trung bình 5 năm qua, riêng tại Trung Quốc tăng 68%, Ấn Độ tăng 19%, Mỹ tăng 44%... Sự bất ổn về kinh tế, chính trị trên toàn cầu, cùng với đó là lãi suất thấp được xem là môi trường lý tưởng để tạo bong bóng tài sản, gây nên “sóng” vàng trên diện rộng.