Ngừng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm là để đảm bảo an toàn, bảo vệ người dân

Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị giao cho Hà Nội quyền cắt điện, nước công trình vi phạm. Quyền này không phải giao tùy tiện mà chỉ để Chủ tịch UBND xã, huyện quyết định và hướng tới mục tiêu để bảo vệ sự sống của người dân.

Chiều 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong dự thảo luật có nội dung quy định Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

cat-dien-nuoc-1718152272.jpeg
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh: QH)

Với quy định này, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, đề xuất bắt nguồn từ bức xúc trong thực tiễn. Ông nêu vấn đề, trong một khu chung cư có vài hộ cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của người khác và chính mình thì vì mạng sống của những người còn lại, có xử lý cắt điện, nước được không? Hay như đốt vàng mã, đốt than tổ ong, dù đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng người dân vẫn cố tình vi phạm, thì Nhà nước phải có một số quyền để xử lý.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, với những công trình đang thi công vi phạm về quá tầng, không được thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện, nước, không cho thi công. Như sai phạm tại chung cư mini ở huyện Thạch Thất xây vượt tầng vừa qua, giải pháp đưa ra là phải xử lý khi dân chưa vào ở. Bởi khi người dân đã vào ở thì khó di dời ra được. Do vậy, ông nhấn mạnh với những vi phạm này "phải cắt điện, nước để dân không vào ở".

Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị giao cho Hà Nội quyền cắt điện, nước công trình vi phạm. Quyền này không phải giao tùy tiện mà chỉ để Chủ tịch UBND xã, huyện quyết định. Ông khẳng định quyền này hướng tới mục tiêu để bảo vệ sự sống của người dân.

cat-dien-nuoc-1-1718152272.jpg
Một công trình sai phạm trên địa bàn Hà Nội bị yêu cầu cắt điện (Ảnh: Lao Động)

Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ủng hộ quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời ông đề nghị, cần quy định TP. Hà Nội được quyền áp dụng một số biện pháp hành chính mạnh hơn trong những trường hợp bất khả kháng để quản lý tốt hơn, thực hiện đúng các quy hoạch phát triển Thủ đô.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, quy định này đã được các đại biểu ủng hộ, song cơ quan soạn thảo cần làm rõ đây là biện pháp xử lý hành chính hay ngăn chặn. Ông cho rằng, nên gọi đây là biện pháp ngăn chặn bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật, song không hiệu quả.

Thực tế, sau vụ cháy nhà trọ tại Trung Kính khiến 14 người thiệt mạng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mạnh tay hơn trong việc xử lý các công trình, cơ sở vi phạm. Bắt đầu từ 9h30 ngày 7/6, Công ty điện lực Cầu Giấy đã thực hiện ngừng, giảm cấp điện cho 53 khách hàng là các cá nhân, tổ chức, sử dụng điện trên đất dự án, đất sử dụng sai mục đích.

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường hợp thật cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với những công trình, cơ sở kinh doanh, sản xuất xây dựng sai quy hoạch, xây không giấy phép hoặc sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, danh mục này còn có công trình xây dựng trên đất lấn chiếm; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình thi công khi chưa được thẩm duyệt, chưa được nghiệm thu hoặc sai thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.

HĐND thành phố quy định chi tiết trường hợp, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.