Người dân lo lắng mua dự trữ khiến Tamiflu bị đẩy giá cao

Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc chuỗi nhà thuốc Phương Chính cho biết, hiện tượng "sốt ảo" Tamiflu đang diễn ra chủ yếu vì người dân mua thuốc để dự trữ, trong khi số khách hàng thực sự có đơn thuốc khá ít.

Loạn giá thuốc

Thời gian qua, một số bệnh viện thông báo về các ca cúm chuyển nặng khiến người dân lo lắng. Nhiều người khi có triệu chứng cúm đã tự ý mua Tamiflu, loại thuốc kháng vi rút điều trị cúm A, được coi là "thần dược" trong điều trị cúm A.

Mặc dù Tamiflu là thuốc kháng vi-rút chỉ được bán khi có đơn thuốc, nhưng vẫn có một số cửa hàng thuốc bán mà không yêu cầu đơn.

tamiflu-1739149834.jpg
Nhiều người khi có triệu chứng cúm đã tự ý mua Tamiflu về điều trị

Tại nhiều cửa hàng thuốc ở Hà Nội, giá Tamiflu dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/viên. Trong khi ở TP. HCM, giá có thể lên tới 69.000 đồng/viên. Một số cửa hàng thậm chí thông báo hết thuốc do nhu cầu mua tăng mạnh.

Anh Nguyễn Văn Toán (Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện các triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ. Mặc dù chưa xác định có mắc cúm A hay không, nhưng thấy triệu chứng tương tự nên đã mua Tamiflu với giá 52.000 đồng/viên.

Còn chị Lê Thị Loan (Hà Nội) chia sẻ, chị mua một hộp Tamiflu (10 viên) với giá 520.000 đồng. Nhân viên bán thuốc cho biết, mặc dù giá thuốc tăng nhẹ so với trước Tết, nhưng hiện tại Tamiflu vẫn còn hàng. Nhà chị chưa có ai bị cúm. Nhưng lo lắng 2 con đang học tiểu học có nguy cơ bị nhiễm nên chị mua về phòng trước.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản và cửa hàng thuốc đang rao bán Tamiflu, thậm chí khuyến cáo người dân nên dự trữ 1 - 2 vỉ thuốc phòng ngừa cúm A. Trong nhóm "Hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam", các bài đăng tìm mua thuốc Tamiflu trị cúm xuất hiện liên tục. Dưới mỗi bài viết, có hàng chục, thậm chí hàng trăm bình luận từ những người bán thuốc sỉ và lẻ với các mức giá khác nhau.

Phần lớn là thuốc xách tay từ các nước như Nga, Pháp, với mức giá dao động từ 570.000 đến 650.000 đồng/hộp (10 viên).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc chuỗi nhà thuốc Phương Chính cho biết, hiện tượng "sốt ảo" Tamiflu đang diễn ra chủ yếu vì người dân mua thuốc để dự trữ, trong khi số khách hàng thực sự có đơn thuốc khá ít.

Ông nhấn mạnh, Tamiflu là thuốc kê đơn, cần có chỉ định của bác sĩ, vì vậy người dân không nên quá lo lắng và tự ý mua thuốc dự trữ. Mặc dù giá có tăng so với bình thường, nhưng nhiều chuỗi nhà thuốc vẫn giữ mức giá ổn định, không quá cao.

Vào thời điểm dịch cúm A bùng phát trái mùa vào tháng 7/2022, giá Tamiflu từng tăng mạnh, có lúc lên đến 800.000 - 900.000 đồng/hộp 10 viên. Khi đó, nhiều cửa hàng thiếu nguồn cung do dịch bệnh ngoài mùa và không chuẩn bị kịp nguồn hàng.

Lần này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát tình hình cung ứng Tamiflu. Cục cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện và doanh nghiệp dược phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý giá thuốc, bao gồm niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết, không bán thuốc cao hơn giá bán buôn hay giá bán lẻ đã kê khai. Các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá thuốc lên cao sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng công khai giá bán buôn dự kiến của Tamiflu viên nang cứng (75mg) với hộp 1 vỉ 10 viên là 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

tamiflu-1-1739149834.jpg
Tamiflu chỉ có tác dụng nếu cúm được chẩn đoán và phát hiện sớm trong vòng 48 giờ đầu

Hệ lụy khôn lường nếu lạm dụng

Theo các bác sĩ, Tamiflu là thuốc kê đơn và cần có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng và mua thuốc để dự trữ. Việc người dân tự ý sử dụng Tamiflu để điều trị cúm tại nhà có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không phải tất cả các trường hợp mắc cúm đều cần phải dùng Tamiflu. Điều trị cúm chủ yếu là giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn nhiễm bệnh cấp tính. Hầu hết các ca cúm đều có thể tự khỏi mà không cần đến thuốc kháng virus như Tamiflu.

Chỉ những trường hợp có nguy cơ chuyển nặng, như người già, người có bệnh lý nền hoặc trẻ nhỏ, mới cần phải xem xét sử dụng thuốc kháng virus để giảm nguy cơ biến chứng. Những bệnh nhân này cần được theo dõi chặt chẽ và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng để được nhập viện điều trị nếu cần thiết.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết thay đổi thất thường, nóng chuyển lạnh đột ngột ngay trong ngày là điều kiện thuận lợi cho các vi rút đường hô hấp, trong đó có vi rút cúm phát triển.

Tamiflu chỉ có tác dụng nếu cúm được chẩn đoán và phát hiện sớm trong vòng 48 giờ đầu, khi có triệu chứng sốt, và phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, việc điều trị chủ yếu là giảm sốt và chăm sóc hỗ trợ để ngăn ngừa các biến chứng.

Tamiflu cũng có thể gây một số tác dụng phụ. Các chuyên gia y tế cho biết, tác dụng phụ phổ biến nhất là nôn, ngoài ra còn có thể gây tiêu chảy, nhức đầu, và độc thận ở những người có bệnh thận.

Bác sĩ Dũng cảnh báo, điều đáng lo ngại là việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là sự gia tăng kháng thuốc. Vì vậy, Tamiflu cần phải được sử dụng đúng cách, theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.