Người tiêu dùng cẩn trọng trước "chiêu trò" lợi dụng kích cầu dịp cuối năm

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện nay có tình trạng một số cửa hàng áp dụng "chiêu trò" khuyến mại như tăng giá sản phẩm trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Một số cửa hàng còn yêu cầu khách hàng phải có hóa đơn với giá trị cao mới được phép mua thêm sản phẩm khuyến mại hoặc nhận quà tặng.

Người mua thờ ơ với khuyến mại

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân thường tăng cao. Thời điểm này, bất kỳ cửa hàng nào trên các tuyến phố Hà Nội cũng treo biển giảm giá sốc từ 30% đến 50%, từ các cửa hàng đồ công nghệ, điện tử, điện lạnh, thời trang cho đến các mặt hàng gia dụng.

Nhiều thương hiệu còn công bố mức giảm giá lên tới 70% - 80% trên toàn bộ sản phẩm, thậm chí một số cửa hàng áp dụng chính sách “mua một tặng một” hay “mua hai tặng một” để thu hút người tiêu dùng. Các trang web mua sắm trực tuyến cũng không kém phần sôi động với các chương trình khuyến mại và quà tặng hấp dẫn.

giam-gia-1733126922.jpg
Thời điểm hiện tại, hầu hết các cửa hàng đều tung khuyến mại để kích cầu mua sắm cuối năm

Nhưng năm nay, người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ trước những khuyến mại này khiến sức mua không đạt được mức kỳ vọng. Hầu hết người dân cho rằng, nguyên nhân chính khiến các chương trình giảm giá không thu hút được khách hàng là do một số cửa hàng chủ yếu khuyến mại những mặt hàng lỗi mốt, hàng tồn kho hoặc thực hiện các chương trình "khuyến mại ảo" bằng cách nâng giá sản phẩm trước rồi mới giảm giá.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị rất thích một chiếc váy tại một cửa hàng Việt Nam xuất khẩu lớn, nhưng giá gần 1 triệu đồng nên chưa mua. Dịp ngày Độc thân (ngày 11/11) vừa qua, chị thấy cửa hàng quảng cáo giảm giá 50% nên đến mua. Tuy nhiên, giá niêm yết của chiếc váy lúc đó là gần 2 triệu đồng, sau khi giảm 50% thì vẫn là gần 1 triệu đồng, không khác gì giá cũ.

Những mẫu thời trang giảm giá từ 70 - 80% chủ yếu là những mẫu cũ, size khó bán từ mùa hè, thậm chí là sản phẩm từ năm trước. Các mẫu mới vẫn được bán với giá gốc hoặc chỉ giảm khoảng 10%, và rất ít món đồ giảm giá 50% như quảng cáo.

Chị Hoàng Thị Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, do thấy nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn, nên chị và gia đình đã đến một trung tâm thương mại trên phố Cầu Giấy để mua sắm. Thấy chiếc túi trên kệ giảm giá 60%, chị đã hỏi giá. Chủ cửa hàng đưa cho chị mảnh giấy ghi giá ban đầu hơn 12 triệu đồng, giảm giá 60%, còn khoảng 5 triệu đồng. Đánh giá chiếc túi cẩn thận, chị thấy đây là mẫu cũ, màu sắc cũng không phải xu hướng hiện tại. Với chiếc túi đã lỗi mốt như vậy, chị cho rằng cửa hàng đã nâng giá lên cao rồi giảm xuống.

Trong khi đó, anh Trần Xuân Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, nhiều các cửa hàng điện máy tung ra chương trình giảm giá cuối năm, nhưng khi so giá với các cửa hàng khác thì vẫn cao hơn so. Đặc biệt với các sản phẩm điện tử, cửa hàng thường niêm yết giá cũ là giá lúc sản phẩm mới ra, còn giá khuyến mãi là giá hiện tại của sản phẩm để dán mác giảm giá.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt khuyến mại "ảo"

Trước phản ánh đến từ người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện nay có tình trạng một số cửa hàng áp dụng "chiêu trò" khuyến mại như tăng giá sản phẩm trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Một số cửa hàng còn yêu cầu khách hàng phải có hóa đơn với giá trị cao mới được phép mua thêm sản phẩm khuyến mại hoặc nhận quà tặng.

giam-gia-1-1733126922.jpg
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn khuyến mại "ảo"

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại mà không thông qua cơ quan quản lý. Đặc biệt, đã có trường hợp lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng gần hết hạn sử dụng.

Một số cửa hàng còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để bán hàng cũ, hàng sản xuất từ nhiều năm trước hoặc hàng đã qua sử dụng cùng với sản phẩm mới.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, để ngăn chặn hiện tượng này, lực lượng quản lý thị trường và Sở Công Thương cần thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Cần tập trung vào việc kiểm tra xem các doanh nghiệp đã đăng ký chương trình khuyến mại với cơ quan quản lý hay chưa, đồng thời kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại để ngăn ngừa việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái hoặc hàng không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn để các hoạt động khuyến mại đi vào nề nếp. Sở sẽ tích cực hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký khuyến mại từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời công khai thông tin về thời gian, hình thức, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm trên trang thông tin của sở để người tiêu dùng nắm bắt.

Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Cục Quản lý thị trường và UBND các địa phương để kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật trong các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp.

Về việc kiểm tra và ngăn chặn khuyến mại "ảo", ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2024, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với thanh tra Sở Công Thương và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định pháp luật trong các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.