Ngày 2/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hơn 4 tháng siết chặt quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, bộ đã phát hiện 55 lô hàng nhiễm Salmonella (tương đương trên 1.319 tấn) trong tổng số 6.679 lô thịt nhập khẩu được lấy mẫu xét nghiệm Salmonella.
Nếu không được xét nghiệm, lượng lớn thịt động vật bị nhiễm Salmonella trên đã được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Đây là kết quả triển khai thông tư số 04-2024 của bộ sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực từ ngày 16/5 (gọi tắt thông tư 04-2024).
Thực tế ghi nhận đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng do loại vi khuẩn này gây ra. Gần đây nhất, tháng 8/2024, pate tại tiệm bánh mì Hồng Ngọc 12 (Đồng Tháp) bị nhiễm khuẩn Salmonella, đã gây ngộ độc 149 người. Hay vào tháng 5 năm nay, 568 người phải nhập viện và 1 trường hợp tử vong do ngộ độc bánh mì tại TP. Long Khánh (Đồng Nai). Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân cho thấy có vi khuẩn Salmonella và E.coli.
Trước đó, vào năm 2022, 387 học sinh Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) đã phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại trường, trong đó một bé tử vong. Theo Sở Y tế Khánh Hòa, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện trong các loại thực phẩm bẩn và mức độ nhiễm khuẩn càng cao khi thực phẩm càng không đảm bảo vệ sinh. Bác sĩ Châu Tố Uyên - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết, loại vi khuẩn này thường tồn tại trong thịt, gia cầm, sữa và lòng đỏ trứng sống hoặc bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt và các dụng cụ chế biến thực phẩm nhiễm khuẩn.
Triệu chứng nhiễm Salmonella gồm nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt và thường khởi phát từ 1 - 3 ngày sau khi nhiễm. Triệu chứng nguy hiểm nhất là mất nước cùng các chất điện giải cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mạn tính có thể gặp tình trạng mất nước nghiêm trọng, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy - chuyên gia chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nếu bệnh nhân không được bù điện giải kịp thời, có thể xảy ra co giật và biến chứng. Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, đe dọa tính mạng.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước từ 2 - 3 tuần, trong phân từ 2 - 3 tháng. Chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 50 độ C trong một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc bằng các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi các triệu chứng lâm sàng biến mất, người bệnh vẫn có thể đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần hoặc kéo dài đến 2, 3 tháng ở 2 - 20% số người nhiễm.
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, trứng nên được nấu chín kỹ và vỏ trứng cần rửa sạch trước khi chế biến. Rau sống nên được rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ vi khuẩn và ngâm bằng thuốc tím. Đồng thời, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Dụng cụ nhà bếp như thớt và bề mặt chế biến cũng cần được rửa sạch bằng nước nóng và xà phòng để đảm bảo vệ sinh.
Liên quan đến băn khoăn việc thông tư 04-2024 gây khó dễ cho việc nhập khẩu thịt vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục Thú y đã họp trao đổi với tham tán nông nghiệp và cán bộ của đại sứ quán các nước Úc, New Zealand, Canada, Anh. Các nước này đều khẳng định không có vấn đề gì lớn.
Cục Thú y cho hay, việc ban hành thông tư đã tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế và không gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian vừa qua. Thực tế ghi nhận, 1 tháng sau khi thông tư có hiệu lực (ngày 16/5 - 15/6), các nước xuất khẩu vào Việt Nam gần 60.000 tấn thịt và sản phẩm thịt, tương đương so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương so với tháng 4/2024. Như vậy, việc triển khai thông tư số 04-2024 không làm ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm động vật từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam.