Phá đường dây sản xuất hàng nghìn giấy phép lái xe giả: Sử dụng bằng giả nhưng hệ lụy thật!

Những người điều khiển phương tiện giao thông dù đã qua các kỳ thi sát hạch, được cấp giấy phép lái xe nếu không cẩn trọng khi lưu thông vẫn có thể không may xảy ra tai nạn. Thế nên, những người chỉ bỏ tiền mua bằng lái giả, nhất là lái xe tải, xe khách thì có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc bất cứ lúc nào.

Ngày 20/5, Công an huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Xuân Giáp, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam, Trịnh Thị Thu (cùng ngụ huyện Nga Sơn) và Hoàng Thị Hạnh (ngụ huyện Hà Trung) về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Trước đó, Công an huyện Hà Trung phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage chạy quảng cáo tự động với nội dung "nhận làm GPLX các hạng A1, A2, B1, B2…" và "Đăng ký xe mô tô, ô tô". Lần theo dấu vết, Công an huyện Hà Trung đã phát hiện ra đường dây làm giấy tờ giả của các đối tượng trên. Cầm đầu đường dây là Lê Xuân Giáp.

bang-lai-xe-gia-1-1716271303.jpg
Các đối tượng cùng tang vật trong đường dây sản xuất giấy phép lái xe (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Công an huyện Hà Trung đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của 5 đối tượng, qua đó thu giữ máy tính, máy in màu, máy ép, máy Scan, máy dập, máy cắt, máy khắc dấu, nhiều con dấu giả, phôi đăng ký xe, giấy phép lái xe giả…

Tại cơ quan điều tra, Giáp khai do nợ nần nhiều nên từ đầu năm 2024, Giáp đã chỉ đạo các đồng phạm quảng cáo trên mạng xã hội Facebook về việc nhận làm các loại giấy tờ giả như: Giấy đăng ký xe, Giấy khám sức khỏe, Giấy phép lái xe... Trong đó, chủ yếu là giấy đăng ký xe (gồm cả mẫu cũ và mẫu mới).

Khi có khách đặt hàng, nhóm này làm giấy tờ giả, đóng gói kín, rồi giao cho Hoàng Thị Hạnh (nhân viên Bưu cục Đò Lèn, thị trấn Hà Trung) gửi chuyển phát nhanh cho khách hàng. Mỗi loại giấy tờ giả, Giáp thu từ 800.000 - 1.000.000 đồng và chia cho các đối tượng trong đường dây theo tỷ lệ thỏa thuận.

Từ đầu năm 2024 đến khi bị bắt, nhóm này đã làm giả và tung ra thị trường khoảng 2.000 giấy phép lái xe và đăng ký xe giả, thu lời bất chính khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện Công an huyện Hà Trung vẫn đang mở rộng điều tra vụ việc.

Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan xác định việc mua, bán, sử dụng giấy phép lái xe giả là mối nguy hại to lớn không chỉ cho công tác quản lý Nhà nước mà còn đặc biệt mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường bộ. Do đó, cơ quan chức năng luôn tích cực điều tra, xử lý, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến sản xuất, mua bán giấy phép lái xe giả.

Tuy nhiên, quá trình phát hiện, truy quét gặp không ít khó khăn bởi thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn mua giấy phép lái xe giả khiến loại tội phạm này còn “đất sống”.

bang-lai-xe-gia-1716271303.jpg
Hai giấy phép lái xe giả bị thu giữ (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)

Trên thực tế, hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả nguy hiểm hơn các loại giấy tờ giả khác. Bởi, giấy phép lái xe là giả nhưng hệ lụy mang tới lại thật. Những người điều khiển phương tiện giao thông dù đã qua các kỳ thi sát hạch, đã được cấp giấy phép lái xe nếu không cẩn trọng, chú ý quan sát khi lưu thông vẫn có thể không may xảy ra tai nạn. Những người chỉ bỏ tiền mua bằng lái giả, nhất là lái xe tải, xe khách thì có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc bất cứ lúc nào.

Vì vậy, khi cần một tấm bằng lái xe, người dân nên đăng ký học tại các cơ sở đào tạo uy tín, tránh việc tiền mất, tật mang, thậm chí phải vướng vào vòng lao lý. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tăng chế tài xử phạt thậm chí là xử lý hình sự với các trường hợp làm giả giấy phép lái xe nghiêm trọng.

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc làm giả, mua bán các loại giấy phép lái xe giả đã và đang gây nên nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông. Nghiêm trọng hơn, đây là hành vi phạm pháp, tiếp tay cho các đối tượng làm giả giấy tờ, trục lợi bất chính, gây ra những tiêu cực, bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, việc mua và sử dụng bằng lái giả sẽ khiến nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì hiện tại, cơ quan chức năng đã áp dụng cấp giấy phép lái xe bằng thẻ PE. Chữ được in trên thẻ phủ một lớp phủ bóng không mờ cùng với công nghệ in dấu đặc biệt, kèm theo là mã vạch. Do đó, bằng lái rất khó làm giả và nếu làm giả cũng dễ dàng bị phát hiện bởi máy quét mã.

Giấy phép lái xe dạng mới cũng được tích hợp trên hệ thống dữ liệu lưu trữ riêng. Toàn bộ thông tin người lái từ lúc học thi bằng đến các lỗi vi phạm khi điều khiển xe lưu thông trên đường đều được ghi lại rõ ràng. Công nghệ hiện đại này giúp các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra và phát hiện sai phạm gần như ngay lập tức nếu sử dụng bằng lái giả.