Sau một tuần diễn ra sự cố màn hình xanh, hệ thống máy tính Windows toàn cầu vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn

Sự cố màn hình xanh “chết chóc” xảy ra từ ngày 19/7 cho tới nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Theo đại diện CrowdStrike, mới chỉ có 97% hệ thống máy tính Window hoạt động trở lại. Trong khi đó, những tranh cãi giữa Microsoft và Ủy ban châu Âu về trách nhiệm liên quan tới vụ việc vẫn tiếp tục gây sự chú ý của dư luận.

Sau 1 tuần diễn ra, sự cố màn hình xanh liên quan đến bản cập nhật phần mềm của CrowdStrike trên các thiết bị chạy Windows vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Sự cố diễn ra ngày 19/7 đã ảnh hưởng tới gần 8,5 triệu máy tính chạy Windows và sử dụng phần mềm an ninh mạng Falcon của CrowdStrike, khiến các chuyến bay phải hoãn lại, các doanh nghiệp không thể xử lý thanh toán bằng thẻ, các bệnh viện và phòng khám phải hủy hoạt động, các giao dịch ngân hàng bị đình chỉ...

Theo các nhà phân tích, đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính "tàn phá" nhất từ trước đến nay, sẽ khó khắc phục hoàn toàn trong thời gian tới.

Theo đại diện CrowdStrike – nhà cung cấp bản cập nhật phần mềm tai tiếng gây ra sự cố kể trên, tính đến ngày 25/7, mới chỉ có 97% các thiết bị Windows bị ảnh hưởng đã hoạt động trở lại.

ceo-crowdstrike-1721967308.jpg
George Kurtz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập tại CrowdStrike cho biết, mới chỉ có 97% hệ thống windows bị ảnh hưởng bởi sự cố màn hình xanh đã hoạt động trở lại.

"Những nỗ lực của chúng tôi đã được tăng cường nhờ vào sự phát triển của các kỹ thuật phục hồi tự động và bằng cách huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ khách hàng", George Kurtz – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành và đồng sáng lập tại CrowdStrike cho biết trong một bài đăng trên Linkedin ngày 25/7.

Liên quan tới sự cố, một phát ngôn viên của Microsoft nói với WSJ rằng, vấn đề liên quan tới một thỏa thuận từ năm 2009 của EC quy định Microsoft phải đồng ý cung cấp quyền truy cập ngang bằng cho các nhà phát triển và bảo mật Windows. Với quy định này thì những bên thứ 3 như CrowStrike có thể đưa ra bản cập nhật cho Windows mà có thể Microsoft không nắm được. Điều này trái với các quy định hiện hành mà Apple đang áp dụng đối với các đối tác của họ.

su-co-man-hinh-xanh-1721967381.png
Sự cố màn hình xanh đã gây gián đoạn hàng loạt các hệ thống máy tính trên toàn cầu, ảnh hưởng tới các lĩnh vực hàng không, tài chính ngân hàng, truyền hình,.... trên toàn cầu.

Sau phát ngôn kể trên, mới đây người phát ngôn của EC là Lea Zuber đã lên tiếng chính thức. Theo đó, EC trực tiếp phủ nhận cáo buộc của Microsoft về trách nhiệm của Ủy ban đối với sự cố: “Microsoft được tự do quyết định mô hình kinh doanh của mình, công ty phải điều chỉnh cơ sở hạ tầng bảo mật để ứng phó với các mối đe dọa theo luật cạnh tranh của EU. Bên cạnh đó, người tiêu dùng được tự do hưởng lợi từ sự cạnh tranh và lựa chọn giữa các nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng khác nhau. Sự cố này không chỉ giới hạn ở Liên minh châu Âu và Microsoft chwua bao giờ nêu lên những lo ngại của họ về vấn đề an ninh với EC sau sự cố”.

Như vậy, với lý do sự cố không chỉ ảnh hưởng ở châu Âu mà còn nhiều nơi khác trên thế giới – những nơi không chịu ảnh hưởng bởi quy định của EC, Ủy ban châu Âu đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của Microsoft về trách nhiệm đối với vụ việc.