Sự "di cư" của các chuyên gia AI hàng đầu và làn sóng bùng nổ "kỳ lân" công nghệ mới Trung Quốc

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như ByteDance và Kuaishow đang chứng kiến sự ra đi của các chuyên gia AI hàng đầu, chuyển sang lập nghiệp riêng. Điều này phản ánh thực trạng và sự bùng nổ của các kỳ lân công nghệ mới tại nước này trong thời gian tới.

Hai gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội hàng đầu của Trung Quốc là ByteDance – công ty mẹ của TikTok và Kuaishou Technology, đang chứng kiến sự ra đi của các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các công ty khởi nghiệp có tiềm năng trở thành một OpenAI tiếp theo.

chay-mau-chat-xam-ai-1716878905.jpg
Các Big Tech Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng "di cư" của các chuyên gia AI hàng đầu.

Điển hình mới nhất là việc Yang Hongxia - người từng tham gia nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tại ByteDance, gần đây đã rời công ty có trụ sở tại Bắc Kinh để bắt đầu chuẩn bị cho các dự án AI của riêng mình.

Tiếp đến là việc Fu Ruiji – một nhà lãnh đạo công nghệ tại các dự án LLM và Sơ đồ tri thức của Kuaishou cũng đã rời công ty để “chuẩn bị cho một dự án khởi nghiệp AI”.

Như vậy, cả 2 chuyên gia này đều “dứt áo” khỏi nơi đã tạo nên danh tiếng của mình để gây dựng sự nghiệp riêng. Thông tin chi tiết về những nỗ lực mới của Yang Hongxia và Fu Ruiji vẫn chưa được tiết lộ nhưng đều đang nhận được sự quan tâm của những  người trong ngành.

Cả ByteDance và Kuaishou đều không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về những sự ra đi kể trên. 

Sự ra đi của những chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu tại các Big Tech đang phần nào phản ánh sự bùng nổ của các kỳ lân công nghệ mới tại Trung Quốc cho đến nay. Nước này đã có bốn “con hổ AI”, mỗi “con” trong số đó đã huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư tiềm lực. Những kỳ lân mới này của đại lục, được định giá là các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD bao gồm Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax.

Yang Hongxia được cho là đã gia nhập ByteDance để lãnh đạo Phòng thí nghiệm AI của công ty và xây dựng LLM sau khi rời khỏi Alibaba Group Holding vào cuối năm 2022, nơi cô đứng đầu nhóm giám sát mô hình M6 AI của công ty có trụ sở tại Hàng Châu. 

Về phần Fu Ruiji, trước khi gia nhập Kuaishou vào năm 2021, ông từng là Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu AI của iFlytek , một trong những nhà vô địch về AI của Trung Quốc. Ông phụ trách phát triển Kuaipedia, được mệnh danh là “bách khoa toàn thư video ngắn đa phương thức quy mô lớn đầu tiên trên thế giới” và KwaiAgents, một hệ thống đại lý tìm kiếm thông tin với LLM.

Cũng theo giới quan sát, một vụ ra đi lớn khác cũng được quan tâm là Wang Changhu - người từng đứng đầu bộ phận công nghệ thị giác của ByteDance, đã rời công ty được 3 năm. Năm 2023, Wang thành lập công ty riêng của mình có tên AIsphere và đảm bảo được một vòng tài trợ mới vào tháng 3.

Đối với Alibaba, công ty đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các mô hình AI Tongyi Qianwen, cũng đã chứng kiến sự ra đi của một số chuyên gia AI hàng đầu kể từ năm ngoái. Jia Yangqing, người trước đây lãnh đạo bộ phận nền tảng điện toán của đơn vị đám mây, Alibaba, được cho là đã rời công ty vào đầu năm ngoái để gia nhập một công ty khởi nghiệp tập trung vào cơ sở hạ tầng AI.

bytedance-1716880012.jpg
Sự phát triển của AI đang mở ra triển vọng về các kỳ lân AI mới tại Trung Quốc, đồng thời kéo theo cuộc chiến về nhân tài trong lĩnh vực này.

Do đó, các công ty Big Tech của Trung Quốc – bao gồm gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies và Alibaba – đều đang nỗ lực hết mình để thu hút những nhân tài AI với mức lương cạnh tranh và phúc lợi hậu hĩnh.

Ví dụ, nhà điều hành nền tảng mua sắm giá rẻ Pinduoduo, vào tháng 11 năm ngoái đã tăng cường quảng cáo việc làm cho nhiều vị trí khác nhau, bao gồm mức lương lên tới 60.000 nhân dân tệ (8.282 USD) mỗi tháng cho các vai trò như nhà phát triển LLM và kỹ sư tham chiếu LLM có trụ sở tại trụ sở chính ở Thượng Hải.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng bùng nổ, việc “chảy máu chất xám” với sự ra đi của các chuyên gia hàng đầu về AI đang là vấn đề đau đầu không chỉ của các Big Tech tại Trung Quốc mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó, các “ông lớn” công nghệ thế giới như Google DeepMind, Microsoft, Meta,… cũng chứng kiến những cuộc chia ly đầy tổn thất, đồng thời tung ra hàng loạt những chính sách hấp dẫn để chiêu mộ nhân tài. Một trong những xu hướng mà các chuyên gia AI hướng tới sau khi rời khỏi công ty là tự gây dựng sự nghiệp riêng hoặc tìm đến những nơi có ưu đãi tốt hơn,…

Theo công ty tuyển dụng Einstellen Talent (Mỹ), những doanh nghiệp lớn thường đưa ra số tiền lớn để chiêu mộ tài năng. Thậm chí, nhiều công ty còn đưa ra mức thu nhập lên tới 7 con số để giữ chân ứng viên kinh nghiệm… Dự kiến, thời gian tới, thị trường nhân sự AI sẽ còn tiếp tục chứng kiến những cuộc ra đi – gia nhập đình đám.