Về nguyên nhân dẫn đến quyết định kể trên, theo Apple, công ty nhận thấy các shop trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop của các đối tác, đại lý bán lẻ ủy quyền đã đưa sản phẩm lên mà chưa được sự cho phép bằng văn bản của công ty. Điều này là vi phạm với các thỏa thuận được ký kết trước đó, nếu đại lý muốn bán sản phẩm trên bất kỳ sàn thương mại điện tử nào phải được sự cho phép bằng văn bản trước khi tiến hành.
Hạn chót cho các đối tác, đại lý ủy quyền gỡ bỏ danh sách các sản phẩm của Apple khỏi TikTok Shop là 17 giờ ngày 31/5.
Theo một nguồn tin, việc cấm bán sản phẩm trên TikTok Shop là vấn đề liên quan thỏa thuận giữa Apple và các đối tác chứ không liên quan đến sàn thương mại điện tử này. Thực tế, Apple luôn có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về những quy định, tiêu chuẩn cũng như trách nhiệm của các bên trong việc trưng bày, bán, thậm chí về các chương trình ưu đãi đối với sản phẩm chính hãng. Bất cứ sự thay đổi nào cũng phải được thỏa thuận trước giữa hai bên. Việc Apple yêu cầu các đối tác cấm bán sản phẩm trên sàn khi chưa được phép là hoàn toàn dễ hiểu.
Sau thời điểm 17 giờ hôm qua (ngày 31/5), hầu hết các sản phẩm của Apple được bán chính hãng trên TikTok Shop đã được rút đi âm thầm.
Theo đại diện một đối tác của Apple, nguyên nhân quyết định vừa rồi của Apple có thể bắt nguồn một phần từ các chính sách ưu đãi, trợ giá sâu của sàn thương mại điện tử TikTok. Việc thu hút khách hàng từ các chính sách giảm giá sâu không mang tính bền vững, lâu dài, có thể dẫn tới những so sánh, đánh giá không cần thiết, ảnh hưởng tới các kênh bán hàng khác.
Một số ý kiến lại cho rằng, việc livestream hàng trăm tỷ đồng trên sàn TikTok thường nhận được những ý kiến tranh cãi, trong đó có những ý kiến có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của thương hiệu khi được bán chung với các mặt hàng như tã bỉm, sản phẩm nhái thương hiệu.
Theo một nhà bán lẻ ủy quyền khác của Apple, thực tế, “Nhà Táo” chỉ yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm khỏi các gian hàng online trên sàn vì chưa được phép chứ không phải là cấm bán hoàn toàn. Điều này có thể thay đổi trong tương lai khi các bên có thể đi đến một thỏa thuận chung.
Được biết, Apple đang bắt đầu xem xét yêu cầu kinh doanh trên các nền tảng mới của các đại lý ủy quyền chính thức trong nước. Sản phẩm của họ sẽ sớm quay trở lại TikTok tại Việt Nam, đang có khoảng 3 đơn vị kỳ vọng đạt được thỏa thuận bán hàng Apple tại sàn này trong thời gian tới.
Như vậy, việc Apple yêu cầu các đại lý ủy quyền rút sản phẩm khỏi các gian hàng trên TikTok Shop có thể chỉ là một biện pháp "lùi để tiến" nhằm đảm bảo an toàn cho hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của mình đối với công chúng tại thị trường Việt Nam.