Vì sao Elon Musk gọi OpenAI là “kẻ xấu xa”?

Theo các nguồn tin, OpenAI đã yêu cầu các nhà đầu tư không ủng hộ những đối thủ như xAI của Elon Musk, điều này đã khiến ông chủ Tesl nổi giận, gọi công ty đã tạo ra ChatGPT là “kẻ xấu xa”.

Elon Musk một lần nữa chỉ trích công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI mà ông đồng sáng lập vào năm 2015, sau đó rời đi vào cuối năm 2018 vì những bất đồng về việc kiểm soát công ty. Thời gian qua, ông và CEO của OpenAI là Sam Altman cũng đã có những căng thẳng  xung quanh các vấn đề về AI và những thỏa thuận trong thời gian đầu thành lập.

Công ty đứng sau ChatGPT vừa hoàn tất vòng gọi vốn mới, kêu gọi được 6,6 tỷ USD, đưa mức định giá lên 157 triệu USD, trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất thế giới. 

openai-1727937054.jpg

OpenAI đã hoàn tất vòng gọi vốn mới, đưa mức định giá công ty lên 157 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty lại "ép" các nhà đầu tư không được phép đổ tiền vào cho các đối thủ trong cùng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bao gồm xAI của Elon Musk.

Vòng gọi vốn này đã thu hút các nhà đầu tư tên tuổi như Thrive Capital, Microsoft và Nvidia. Trong đó, công ty đầu tư mạo hiểm Thrive Capital do Joshua Kushner, con trai út của nhà phát triển bất động sản Charles Kushner thành lập đã dẫn đầu vòng gọi vốn mới với 1,25 tỷ USD. Vòng gọi vốn này cũng thu hút sự chú ý của dư luận khi Apple lặng lẽ rút lui vào thời điểm áp chót. Công ty vốn đã có sự hợp tác với OpenAI trong việc đưa ChatGPT lên iPhone 16 series.

Theo nguồn tin ẩn danh nói chuyện với Reuters, OpenAI đã yêu cầu các nhà đầu tư ký kết thỏa thuận tài trợ độc quyền, trong đó họ sẽ không hỗ trợ năm đối thủ cạnh tranh của mình. Danh sách này bao gồm Perplexity, Glean, Anthropic, Safe Superintelligence của Ilya Sutskever và xAI của Musk.

Tờ Financial Times cũng đưa tin, OpenAI muốn có được sự độc quyền từ các nhà đầu tư của mình.

Thực tế, một số nhà đầu tư của OpenAI đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp AI khác. Đơn cử, SoftBank cách đây không lâu đã cùng với 3 ông lớn Hàn Quốc - gồm SK, LG Electronics, Hanwha Financial - và một tập đoàn Thái Lan ký một thỏa thuận để tham gia góp vốn vào Alpha Intelligence. Quỹ này hướng tới trở thành một nền tảng kết nối các công ty đã được thành lập với các công ty khởi nghiệp AI để đầu tư, hoặc thậm chí M&A. 

Ngay sau khi có các thông tin kể trên, Elon Musk đã trả lời các bài đăng trên X chỉ trích yêu cầu của OpenAI. Ông đã viết hai lần: “OpenAI thật xấu xa”.

Vào tháng 2/2020, Musk chỉ trích công ty vì thiếu minh bạch và cam kết an toàn. Vào tháng 3, Musk đã cáo buộc công ty trong một vụ kiện vi phạm nguyên tắc sáng lập của mình là xây dựng AI có lợi cho nhân loại. Sau đó, ông đã hủy bỏ vụ kiện.

Vào tháng 8, Musk đã đệ đơn kiện khác chống lại OpenAI, lần này với lý do các giám đốc điều hành đã lừa ông để đồng sáng lập công ty. Musk và người phát ngôn của OpenAI đã không trả lời yêu cầu bình luận.

231118-elon-musk-1727936879.webp

Mối quan hệ giữa Elon Musk và OpenAI vốn đã căng thẳng từ trước.

Mặc dù yêu cầu về vòng tài trợ độc quyền là rất hiếm nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ. Trước đó, Uber và Lyft đã yêu cầu các nhà đầu tư không ủng hộ đối thủ của họ trong vòng 6 tháng đến 1 năm trong các vòng gọi vốn trước khi họ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Nguồn tài trợ không phải thứ duy nhất đang phát triển đối với OpenAI. Ứng dụng AI ChatGPT của họ đã thu hút 250 triệu người dùng hàng tuần, tăng từ 200 triệu được công bố vào cuối tháng 11. Công ty cũng đang có tới 11 triệu người dùng đăng ký trả phí. Tỷ lệ sử dụng cao hơn khiến các lãnh đạo của công ty dự định tăng giá đăng ký cho ChatGPT lên 22 USD một tháng vào cuối năm và 44 USD một tháng trong 5 năm tiếp theo.