Viện phí có thể tăng 4% từ ngày 1/7 tới đây

Liên Bộ Y tế - Tài chính đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Trong đó, chi phí quản lý là yếu tố lần đầu tiên được đưa thêm vào viện phí. Yếu tố này có thể khiến giá viện phí tăng.
gia-vien-phi-tang-1-1711337351.jpg
Giá viện phí có thể sẽ tăng 4% từ ngày 1/7/2024

Tất cả các bệnh viện công lập trên cả nước hiện nay đang áp mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 21 và Thông tư 22 được Bộ Y tế ban hành tháng 11/2023. Theo đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương gồm giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Mức viện phí đang được áp dụng hiện nay tăng khoảng 10% so với quy định cũ ban hành năm 2019. Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, mức viện phí này là hợp lý, giúp cơ sở y tế tăng thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, mức viện phí này có thể sẽ thay đổi khi trong dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh mà Bộ Y tế đang xây dựng có nội dung về cách tính giá dịch vụ mới. 10.000 dịch vụ y tế sẽ được tính lại theo hướng đúng - đủ.

Các dịch vụ y tế sẽ được tính giá theo 4 nhóm yếu tố: Chi phí nhân công, chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu...), chi phí khấu hao (thiết bị y tế, tài sản cố định), chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế…). Trong 4 nhóm trên, chi phí quản lý là yếu tố cấu thành mới được thêm vào trong xây dựng giá lần này và là lần đầu tiên được đưa vào viện phí. Theo Bộ Y tế, nếu tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì tỉ lệ tăng bình quân là 4%, tiếp tục tính thêm phí khấu hao thì tỉ lệ này sẽ tăng khoảng 22,8%. Cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và Luật Giá hiện hành.

gia-vien-phi-tang-1711337350.jpg
Chi phí quản lý lần đầu được đưa vào tính giá viện phí

Trao đổi về lộ trình tính đúng - đủ giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay đã tính 2 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và chi phí khác thì chưa được tính.

Lộ trình tính viện phí sắp tới: Năm 2024 sẽ tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Từ năm 2025 trở đi, sau khi đánh giá tác động cụ thể Bộ Y tế sẽ đề xuất từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, điều chỉnh viện phí cũng cần căn cứ vào khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối quỹ BHYT. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để đề xuất Chính phủ thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp.

"Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí KCB (tiền thuốc máu, vật tư thanh toán theo thực tế sử dụng). Tuy nhiên, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã là 93,35% nên dù viện phí tăng thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao" - ông Luận phân tích.