Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn

Hiện nay, sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn (từ 4-5%). Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này.

Tại hội nghị với Thủ tướng ngày 14/3, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đánh giá, chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất sát sao, cụ thể đã mang lại những hiệu quả nhất định với doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản mong muốn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. 

“Hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước đang khá là lớn (từ 4-5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này. Thậm chí, các chi phí vay vốn cần giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Trường nói.

Ông Trường cũng mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

“Với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất”, ông Trường nêu.

tin-dung-4-1710397373.jpeg
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group

Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng công ty đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) cho biết khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng như Becamex đang vướng mắc là các kế hoạch, phát hành trái phiếu. 

Theo ông Cương, khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường có kế hoạch phát hành, kế hoạch sử dụng, trả nợ kéo dài. Và việc này lại ảnh hưởng đến vay tín dụng.

“Khi Becamex triển khai các dự án trên cả nước, rõ ràng dự án khi triển khai chậm hơn so với trước đây. Trước đây, chúng ta có chủ trương của Thủ tướng và luôn có hoạch định và thời gian, tính được hiệu quả của dự án. Nhưng sau này, các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài khiến tiền và kế hoạch trả nợ gặp khó khăn”, ông Cương nói.

Ông Cương cho rằng, sự quyết tâm của Chính phủ đã rõ, nhưng chặng quyết định nhất là các thủ tục hoàn thành để tín dụng ngân hàng đến với doanh nghiệp.

tin-dung-2-1710396863.jpeg
Doanh nghiệp muốn có gói tín dụng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo.

Trong xu thế mới, ông Cương chia sẻ, nếu hoạt động đơn thuần là kinh doanh bất động sản thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp này tập trung trong năm 2024 là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người dân tại Bình Dương. Becamex dự định vừa xây dựng và vừa mở rộng từ 10.000-20.000 căn hộ trong năm nay.

Đại diện Becamex đề nghị, trong giai đoạn hiện nay, để khu công nghiệp thu hút đầu tư trong điều kiện mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khí thải các bon…, Becamex đang phát triển một hệ sinh thái về năng lượng tái tạo, tiếp cận các hệ sinh thái để bổ trợ cho việc thu hút đầu tư cho địa phương, cho cả nước.

Becamex mong các ngân hàng có những chính sách, gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất. Bởi theo ông Cương hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt nào.

Nêu quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, chỉ sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, phải cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

tin-dung-3-1710397469.jpeg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Ông Hùng đề nghị tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ; đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ...để giúp tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế”, ông Hùng nêu.

Để thúc đẩy tăng trưởng “tín dụng tiêu dùng bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận “gói tín dụng 120.000 tỷ đồng”.

Theo ông Châu, gói tín dụng này mới giải ngân 646 tỷ đồng là quá thấp. Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư)” mà đối tượng “tiêu dùng bất động sản” chính là người mua nhà.

Để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội, ông Châu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất “gói tín dụng 110.000 tỷ đồng” cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%. Dư nợ kinh doanh BĐS đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ BĐS tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng BĐS.