Một công ty xả hàng nghìn tấn chất thải ra môi trường
Ngày 23/1, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM thông báo đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Ngọc Thương (SN 1983, phường 11, quận 11) về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ cuối năm 2019 đến nay, Nguyễn Ngọc Thương là người tổ chức, trực tiếp quản lý và điều hành nhân công thực hiện việc nấu tái chế nhôm tự phát. Thương đã xây dựng cơ sở nấu nhôm tại khu đất trống trong rừng tràm thuộc xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) mà không có hồ sơ đăng ký kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường.
Quá trình tái chế nhôm, chất thải rắn công nghiệp phát sinh tro nhôm, xỉ nhôm. Thương chỉ đạo công nhân đổ trực tiếp chất thải này trong khuôn viên cơ sở. Theo kết luận giám định từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp do hoạt động nấu tái chế nhôm của Thương là hơn 7,7 nghìn tấn. Những chất này được cơ quan điều tra đánh giá gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Thời gia qua, nhiều vụ xả chất thải đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Như ngày 27/9/2024, Công an tỉnh Bình Dương thông báo đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Hoàng Giang (SN 1987, quê Bình Phước, tạm trú TP. Thủ Dầu Một) về tội "Gây ô nhiễm môi trường".
Theo điều tra, trong quá trình kinh doanh, Trần Văn Hoàng Giang đã cho người khác đổ hơn 2.200 tấn chất thải công nghiệp thông thường ra môi trường trái phép tại chi nhánh Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Môi trường Hoàng Giang để thu tiền, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cho biết đã khởi tố ông Trần Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH An Hưng Nông để điều tra hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH An Hưng Nông, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 4.000 tấn rác hữu cơ gồm vỏ và hạt trái cây được tập kết tại khu đất trống sau nhà máy sản xuất phân bón, nơi không có giấy phép xây dựng. Khu đất này không có lớp lót đáy, để lộ thiên ngoài trời, nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra kênh, ruộng của người dân xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.
Công ty không có chức năng nhưng vẫn ký hợp đồng xử lý chất thải hữu cơ với nhiều công ty nông sản, trái cây và rau quả trong và ngoài tỉnh. Khu vực tập kết chất thải của công ty đã bị người dân phản ánh nhiều lần về tình trạng ô nhiễm.
Phạt nặng để răn đe
Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi xả thải chất bẩn ra môi trường là hành động bị pháp luật nghiêm cấm. Các hành vi bị cấm trong bảo vệ môi trường bao gồm vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn và chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật hoặc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hành vi xả thải chất bẩn vào môi trường không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Theo phát luật hiện hành, mức phạt hành chính đối với hành vi xả thải trái phép được quy định tại Điều 4 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Cụ thể: Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 1.000.000.000 VNĐ đối với cá nhân và 2.000.000.000 VNĐ đối với tổ chức.
Ngoài phạt tiền, còn có nhiều hình phạt bổ sung như: Tịch thu các phương tiện, vật phẩm sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạm ngừng các hoạt động liên quan đến xử lý chất thải của doanh nghiệp…
Bên cạnh mức phạt hành chính, hành vi xả chất thải còn có thể bị xử lý hình tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Cụ thể, đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, mức hình phạt thấp nhất có thể là phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Mức phạt cao hơn có thể là phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, tùy vào từng trường hợp cụ thể, mức phạt tiền có thể dao động từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng. Ngoài ra, pháp nhân có thể bị đình chỉ hoạt động trong một thời gian từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.