Cải thiện ô nhiễm không khí: Đừng chỉ trông chờ triển khai vùng phát thải thấp

Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang tiến hành khảo sát các giải pháp để triển khai vùng phát thải thấp. Tuy nhiên, quận gặp phải một số khó khăn, chủ yếu liên quan đến ý thức người dân. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội còn thiếu sự kết nối đồng bộ. Đơn cử, xe điện có giá cả hợp lý, nhưng việc sạc điện lại rất mất thời gian và hệ thống trạm sạc hiện chưa đủ.

Gia tăng ô nhiễm qua từng năm

Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng không chỉ ở Hà Nội mà còn cả TP. HCM và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Riêng Hà Nội, từ đầu mùa đông đã có nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài. Thống kê trong quý IV/2024 tại các trạm quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí Thủ đô ở mức "kém" chiếm 48,91% và ở mức "xấu" chiếm 44,37%.

o-nhiem-ha-noi-1-1737458638.jpg
Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội đã có nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài

Tại tọa đàm "Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội" do báo Tiền phong tổ chức sáng 21/1, bà Lưu Thị Thanh Chi - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí tại Thủ đô có nguyên nhân chính đến từ khí hậu không thuận lợi, thiếu đối lưu và tầng thấp có nhiều sương mù, khiến không khí trở nên đặc quánh và ứ đọng.

Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm lượng phương tiện giao thông trong thành phố và từ các tỉnh đổ về Hà Nội tăng mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.

Còn theo bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), số liệu trên website của Tổng cục Môi trường cho thấy ô nhiễm ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đang gia tăng qua từng năm. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Bởi ô nhiễm không khí không chỉ giới hạn ở nơi phát sinh mà sẽ lan ra khắp nơi.

Bà Ánh cũng chỉ ra các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí gồm: Xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp và điều kiện khí hậu... Trong đó, tại miền Bắc, ô nhiễm thường gia tăng vào dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ. Các công trình xây dựng tăng tốc, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy hoạt động hết công suất, cộng thêm ảnh hưởng của khí hậu lạnh khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng mạnh.

Mới đây, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô như một giải pháp quan trọng để giảm ô nhiễm không khí từ giao thông, cải thiện chất lượng môi trường sống. Đây được xem là bước đột phá không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước, hướng đến phát triển giao thông xanh - sạch - tiện lợi với chi phí thấp, đồng thời hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Vùng phát thải thấp sẽ được triển khai thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, những quận có mật độ dân cư đông và có nền tảng phù hợp để phát triển mô hình này.

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp đang được xây dựng. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí.

Về vấn đề này, đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang tiến hành khảo sát các giải pháp và hy vọng sớm nhận được sự hỗ trợ từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để triển khai vùng phát thải thấp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, quận gặp phải một số khó khăn, chủ yếu liên quan đến ý thức người dân. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội còn thiếu sự kết nối đồng bộ, khiến việc thực hiện vùng phát thải thấp gặp trở ngại. Chẳng hạn, xe điện có giá cả hợp lý, nhưng việc sạc điện lại rất mất thời gian và hệ thống trạm sạc hiện tại vẫn chưa đủ.

o-nhiem-ha-noi-1737458638.jpg
Hà Nội mịt mù trong bụi mịn và ô nhiễm không khí ở mức cao

Vùng phát thải thấp không phải là "cây đũa thần"

Cũng tại tọa đàm này, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta không thể điều khiển khí hậu và thời tiết, vì vậy cần phải tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý thích hợp. Vùng phát thải thấp không phải là "cây đũa thần", mà chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí.

TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc vào cách thức triển khai của từng thành phố. Việc thiết kế vùng phát thải thấp rất phức tạp, đòi hỏi nhận thức đúng đắn, thiết kế chính xác và hành động cụ thể. Mỗi thành phố sẽ có cách làm khác nhau, dù mục đích chung là giảm ô nhiễm.

Để triển khai hiệu quả, ông Tùng khuyến nghị chính quyền Hà Nội cần xây dựng tài liệu chi tiết giúp quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng rõ ràng, tránh việc phải tìm kiếm giải pháp. Thành phố cũng cần áp dụng các giải pháp đi trước, theo cơ chế win-win.

Ví dụ như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trạm sạc điện tại hai quận này, giảm giá vé giao thông công cộng, phát triển hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện. Cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện.

Trước đó, tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” diễn ra vào cuối năm 2024, các đại biểu đã đề xuất 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm không khí.

Cụ thể, nhóm giải pháp chính sách bao gồm việc áp dụng thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, cũng như các chương trình cho vay và hỗ trợ chuyển đổi xanh.

Nhóm giải pháp kỹ thuật tập trung vào việc chuyển đổi công nghệ của các nhà máy nhiệt điện theo hướng sử dụng ít nguyên liệu và giảm phát thải, cùng với việc tăng tỷ lệ cây xanh trong đô thị.

Nhóm giải pháp quản lý bao gồm việc phân vùng để điều tiết giao thông vào giờ cao điểm, kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động vận tải và vận chuyển vật liệu xây dựng, đồng thời nghiên cứu các giải pháp khuyến khích việc đi chung xe ở các đô thị lớn.

Giải pháp về nguồn lực và kinh tế khuyến khích đầu tư vào các biện pháp kỹ thuật như quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, tăng cường cây xanh và thực hiện rửa đường.

Cuối cùng, nhóm giải pháp truyền thông đề xuất tăng cường tuyên truyền về ô nhiễm không khí và các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng.