Các bigtech Trung Quốc coi các dự án trí tuệ nhân tạo là "trận chiến không thể thất bại"

Các Bigtech Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để đầu tư cho các dự án trí tuệ nhân tạo (GenAI) trong thời gian tới. Thậm chí, người sáng lập ByteDance – công ty đứng sau TikTok là Zhang Yiming còn coi đây là một trận chiến mà họ không thể để thua.

Việc ByteDance coi trọng phát triển AI được xem là tất yếu khi TikTok của họ vốn dựa trên nền tảng các video nội dung sáng tạo để thu hút người dùng. Với ứng dụng tạo video từ văn bản mới có tên Sora của OpenAI, việc sáng tạo các video sẽ trở nên dễ dàng, tác động trực tiếp tới nền tảng của họ trong tương lai. Thậm chí, các lãnh đạo của ByteDance còn cho rằng, các nền tảng AI mới sẽ phá vỡ đáng kể việc tạo nội dung theo cách truyền thống, thậm chí khai sinh ra các nền tảng tạo nội dung mới, cạnh tranh trực tiếp với TikTok của mình.

Theo SMC, Liang Rubo – CEO ByteDance từ năm 2021, đã đặt ra ba mục tiêu cho công ty liên quan đến GenAI trong quý này bao gồm việc tăng cường tuyển dụng nhân tài AI, nâng cao cơ cấu tổ chức và cải thiện nghiên cứu cơ bản.

Trang web của ByteDance hiện đang đăng tuyển tới hơn 300 cơ hội việc làm liên quan đến GenAI, khoảng 100 trong số đó liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), công nghệ được sử dụng để đào tạo ChatGPT và các chatbot tương tự.

Công ty gần đây cũng đã thuê Jiang Lu – người từng có vai trò quan trọng trong việc phát triển VideoPoet của Google – một mô hình LLM được thiết kế để tạo ra các video ngắn được ra mắt vào cuối  năm ngoái.

SMC dẫn thông tin từ hãng truyền thông Jiemian của Trung Quốc, ByteDance đang bí mật phát triển nhiều sản phẩm AI đồng thời, bao gồm công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh và chuyển văn bản thành video. Trong đó, nhóm chịu trách nhiệm về ứng dụng chỉnh sửa video CapCut do Kelly Zhang Nan quản lý cũng đang làm việc bí mật với các dự án AI riêng.

Một số nguồn thông tin giấu tên cho biết, những người có ảnh hưởng tại ByteDance (bao gồm cả người sáng lập Zhang) hiện đang coi AI là một trận chiến mà ByteDance không thể thua.

Zhang Yiming - Người sáng lập ByteDance đã rời vị trí CEO để tập trung cho việc phát triển các dự án AI.

ByteDance – kỳ lân công nghệ hiện có giá trị cao nhất tại Trung Quốc đang là một điển hình cho sự thành công của một doanh nghiệp dựa trên thuật toán học máy để đề xuất nội dung cho người xem. Mặc dù đã sớm áp dụng AI trong đề xuất nội dung nhưng ByteDance lại tương đối muộn trong việc khám phá các mô hình LLM. Công ty đã ra mắt chatbot Doubao và Cici AI vào cuối  năm ngoái, chậm hơn các đối thủ trong nước như Alibaba Group Holding và Baidu.

Nhất là sau khi OpenAI ra mắt trình tạo video Sora vào giữa tháng 2 vừa qua, ByteDance cũng cho biết, trình tạo video từ văn bản Boximator của họ - đang được ứng dụng trong nội bộ chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, chưa thể phát hành rộng rãi. “Vẫn còn một khoảng cách lớn để có thể đạt được các chuẩn mực video hàng đầu về chất lượng hình ảnh, độ trung thực và thời lượng đối với Boximator”, công ty nhấn mạnh trong một thông báo được đưa ra.

Ảnh chụp màn hình từ một video được tạo ra bởi Sora của OpenAI.

Người sáng lập ByteDance là Zhang Yiming mặc dù đã rời khỏi vị trí CEO công ty từ năm 2021, tuy nhiên vẫn đang giữ sức ảnh hưởng lớn tới các hoạt động của công ty. Thời gian qua, Zhang được cho là đang dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc nghiên cứu AI. Nhiều lãnh đạo khác của công ty cũng đã thực hiện điều chỉnh vị trí, vai trò của mình để tập trung cho việc phát triển các sản phẩm AI nội bộ.
Thực tế, ByteDance không phải công ty công nghệ duy nhất trên thế giới đang dồn sức cho công nghệ mới này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Apple mới đây cũng tiết lộ kế hoạch sẽ sử dụng GenAI như thế nào vào cuối năm nay, sau khi từ bỏ dự án ô tô điện để tập trung nguồn lực cho AI và AR.
Theo Vahid Haghzare, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Silicon Valley Associates Recruitment, một công ty săn đầu người chuyên về công việc công nghệ ở các khu vực bao gồm cả châu Á thì các công ty công nghệ ở Trung Quốc dù lớn hay nhỏ, ngày càng quan tâm đến GenAI. Ông cho biết, nhu cầu nhân sự liên quan đến AI và các nhân tài có kiến thức về tạo văn bản thành video đã tăng rất nhiều trong năm nay. 

Mặc dù các công ty Mỹ trả lương cao nhất trong số các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới nhưng Trung Quốc cũng không lo thiếu nhân tài AI vì chính phủ nước này đã đưa AI trở thành một phần chiến lược quốc gia trong nhiều năm.

Trung Quốc đã đưa AI vào kế hoạch 5 năm vào năm 2016. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố vào năm 2018 rằng AI là “công nghệ chiến lược sẽ dẫn đầu cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi công nghiệp”.