Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật và công cụ đánh giá nhằm nâng cao chất lượng công trình xanh tại VN

Các giải pháp kỹ thuật hiện đại và phương pháp tiếp cận khoa học có thể giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại công trình xây dựng.

 Phát biểu tại hội nghị, TS.KTS Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho biết, hội nghị là một hoạt động quan trọng của Dự án kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh (VKC), nhằm triển khai nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) về phát triển đô thị và công nghệ xây dựng đã ký tháng 3/2018 cũng như Thỏa thuận hợp tác đã ký vào tháng 9/2021 giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc về nội dung triển khai Dự án VKC.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg, đưa ra các trụ cột chính: quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh trên cơ sở hạ tầng dữ liệu liên thông và hạ tầng kỹ thuật đã xác định mục tiêu cho phát triển đô thị thông minh Việt Nam là hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; Khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống… nhằm hạn chế rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, các dịch vụ đô thị, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Dự án VKC do Bộ MOLIT - Hàn Quốc tài trợ cho Bộ Xây dựng nhằm mục đích thành lập một trung tâm hợp tác chuyên nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo về đô thị thông minh, công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh nói chung, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa hai Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc cũng như giữa 2 Bộ.

TS.KTS Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phát biểu tại hội nghị.
TS.KTS Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phát biểu tại hội nghị.

“Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc chia sẻ các kinh nghiệm của Hàn Quốc, hỗ trợ những nghiên cứu để từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ xây dựng mới, hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách và các cấp quản lý tại Trung ương, địa phương Việt Nam” - TS.KTS Lưu Đức Minh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của dự án VKC, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua 4 hợp phần chính, gồm: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng); Tăng cường năng lực, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo về đô thị thông minh.

Trong đó, Hội nghị kết nối công nghệ (VKC) được tổ chức thường niên hàng năm, nhằm chia sẻ, chuyển giao và kết nối các DN của hai nước, hỗ trợ hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và công nghệ xây dựng mới tại Việt Nam.

Hội nghị kết nối năm nay, với sự tham gia của 36 DN Hàn Quốc và sự quan tâm, tham gia của các DN Việt Nam, là chương trình giao lưu có tính thực tiễn với những chủ đề về tình hình phát triển đô thị thông minh ở Hàn Quốc và Việt Nam, công nghệ đô thị thông minh đã được áp dụng thành công ở Hàn Quốc, nhằm xây dựng mạng lưới, khai thác những cơ hội hợp tác giữa các cơ quan, DN hai nước thông qua sự giao lưu, kết nối về công nghệ trong lĩnh vực trọng tâm của đô thị thông minh và công nghệ xây dựng; tạo môi trường để cơ quan, DN hai nước có thể duy trì sự giao lưu, trao đổi lâu dài vì mục tiêu hợp tác cùng phát triển.