Điểm danh những công trình nổi bật giúp Việt Nam lọt top 20 quốc gia có kiến trúc đẹp nhất

Với nhiều công trình mang tính biểu tượng như Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Việt Nam đã chính thức góp mặt trong danh sách 20 quốc gia có kiến trúc đẹp nhất thế giới.

Thời gian qua, Tạp chí kinh tế Insider Monkey đã công bố danh sách 20 quốc gia có kiến trúc đẹp, ấn tượng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam góp mặt ở thứ hạng 16.

Theo Insider Monkey, kiến trúc đặc trưng của Việt Nam được phản ánh qua các công trình nổi bật như Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội, Nhà hát lớn Hà Nội…

Bảng xếp hàng này được căn cứ trên những dữ liệu do các trang web khác nhau về du lịch và kiến trúc uy tín toàn cầu công bố. Theo đó, 5 quốc gia hàng đầu có kiến trúc đẹp nhất thế giới lần lượt là Mỹ, Ý, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được gọi với cái tên thân thuộc là Lăng Bác. Đây không chỉ công trình kiến trúc gây ấn tượng với du khách nước ngoài mà còn là “trái tim” của Việt Nam, là điểm đến thiêng liêng và tự hào của cả dân tộc.

lang-bac-1714121143.jpg
Lăng Bác được xây dựng năm 1973

Công trình Lăng Bác được xây dựng dưới sự đóng góp của nhân dân Việt Nam và Liên Xô, thể hiện tinh thần hữu nghị, đoàn kết. Lăng có 3 lớp, cao 21,6m, rộng 41,2m. Tầng dưới có cấu trúc bậc nhiều cấp, với lễ đài dành cho các cuộc mít tinh lớn. Phần giữa là trung tâm của lăng gồm phòng thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khu vực hành lang, cầu thang. Phần trên là mái lăng, được thiết kế theo hình dáng bông hoa sen.

Bên ngoài lăng được ốp đá granite xám, xung quanh là những cột đá hoa cương vuông vức. Mặt chính của lăng có dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” được làm bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Lăng Bác hướng mặt chính về phía Đông, đối diện với Quảng trường Ba Đình. Khuôn viên của lăng được trồng nhiều loại cây đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.

lang-bac-1-1714121114.jpeg
Lăng Bác là điểm đến thiêng liêng và tự hào của dân tộc Việt Nam

Năm 1973 Lăng Bác được xây dựng và chính thức khánh thành vào năm 1975. Từ đó cho tới nay, Lăng Bác là di sản lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng, đóng vai trò kết nối thế hệ và tôn trọng giá trị vĩ đại của độc lập, tự do và độc lập của Việt Nam.

Phủ Chủ tịch

Phủ Chủ tịch nằm tại Q. Ba Đình (Hà Nội) là nơi làm việc của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khuôn viên Phủ chủ tịch nằm kề bên Lăng Bác, quảng trường Ba Đình, tòa nhà Quốc Hội. Phủ Chủ tịch cũng chính là địa điểm đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ đến thăm chính thức nước ta.

phu-chu-tich-1-1714121314.jpg
Phủ Chủ tịch do người Pháp xây dựng trong những năm 1901 - 1906

Theo tìm hiểu, năm 1883 sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có trụ sở Phủ toàn quyền Đông Dương. Công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng trong những năm 1901 - 1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực. 

Năm 1954, Việt Minh đánh bại Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ và chuyển chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Nơi đây được dùng làm Dinh thự cho Chủ tịch nước và bộ máy cơ quan giúp việc. Từ đó Phủ toàn quyền Đông Dương được đổi tên thành Phủ Chủ tịch cho đến tận ngày nay.

phu-chu-tich-1714121405.jpg
Phủ Chủ tịch cũng chính là địa điểm đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ đến thăm chính thức nước ta

Ngày 15/5/1975, Phủ Chủ Tịch đã được Bộ VHTT quyết định xếp hạng thành khu di tích. Cho đến nay, Phủ Chủ Tịch đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn Hà Nội được mệnh danh là “Opéra Garnier Paris thu nhỏ”, sở hữu kiến trúc độc đáo và thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Công trình này còn được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia và gắn liền với những sự kiện quan trọng của Thủ đô cũng như của Việt Nam.

nha-hat-lon-1714121484.jpg
Nhà hát lớn Hà Nội là công trình xếp hạng Di tích Cấp Quốc gia

Công trình có quy mô 2.600m2 nằm trên Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, hướng ra phố Tràng Tiền (Q. Ba Đình). Công trình này được người Pháp xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Đây là tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Trong đó, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh và cách tổ chức mặt bằng giống với các nhà hát ở miền Nam nước Pháp.

nha-hat-lon-ha-noi-7-1714121540.jpeg
Nhà hát được mô phỏng theo các nhà hát ở miền Nam nước Pháp

Mặc dù là một công trình kiến trúc pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.

Tòa nhà Quốc hội Việt Nam

Nhà Quốc hội hay Tòa nhà Quốc hội Việt Nam còn có tên khác là Hội trường Ba Đình mới. Đây là trụ sở làm việc và nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam. Năm 2009, Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng trên đường Độc Lập thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình. Nhà Quốc Hội nằm đối diện với Lăng Bác và kề bên khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

nha-quoc-hoi-1714121585.jpg
Tòa nhà Quốc hội được thiết kế dựa trên sự tích "Bánh chưng, bánh dày"

Tòa nhà này được xây dựng trong 15 năm kể từ khi lên ý tưởng đến thi công hoàn thiện. Công trình được lấy cảm hứng từ sự tích "Bánh chưng, bánh dày" đậm chất truyền thống văn hóa Việt. Đây không chỉ là nơi làm việc của Quốc Hội mà còn là công trình quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam.

toa-nha-quoc-hoi-1714121673.jpg
Nơi đây diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của đất nước

Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao

Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại Giao có địa chỉ ở số 1 Tôn Thất Đàm (Q. Ba Đình, Hà Nội). Công trình được xây từ thời Pháp thuộc nhưng mang kiến trúc phương Đông với hệ mái ngói nhiều lớp, đáng chú ý là mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh. Do có kiến trúc độc đáo với nhiều mái nên công trình này còn được gọi là "tòa nhà trăm mái".

bo-ngoai-giao-1714121726.jpg
Trụ sở Bộ Ngoại giao còn được gọi là "tòa nhà trăm mái"

Từ tháng 10/1945 công trình này được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm trụ sở Bộ Ngoại giao. Cho tới nay, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. 

Tháng 8/2016, trụ sở Bộ Ngoại giao được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

toa-nha-bo-ngoai-giao-1714121775.jpg

Nhà thờ Cửa Bắc

Nhà thờ Cửa Bắc là một nhà thờ Công giáo ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1925 – 1930 bởi kiến trúc sư người Pháp. Công trình xây trên dải đất dài theo phố Phan Đình Phùng và góc phố Nguyễn Biểu.

Dựa trên cơ sở của nhà thờ thời Phục Hưng nhưng kiến trúc sư lại thiết kế lớp vỏ công trình Nhà thờ Cửa Bắc theo kiến trúc dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó có nhiều lớp ngói che phủ từ gác chuông qua mái vòm.

nha-tho-cua-bac-2-1714121798.jpg
Nhà thờ Cửa Bắc vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ

Trải qua thời gian dài và nhiều lần tu sửa, Nhà thờ Cửa Bắc vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, cổ kính. Công trình này mang đậm phong cách kiến trúc Pháp tạo nên điểm nhấn trong không gian đô thị Hà Nội và thu hút nhiều du khách tới tham quan.