8 tháng lao đao, bất động sản sẽ đi về đâu trong những tháng cuối năm?

8 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp mới giảm trong khi doanh nghiệp giải thể ở lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng. Con số này dự báo doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Con số “biết nói” 

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/8/2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký - vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,76 tỷ USD. Con số này chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Sức mua của thị trường ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự mạnh, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực vẫn là chủ yếu, khó khăn chung vẫn còn “bủa vây” các doanh nghiệp ngành này. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Trong đó, tính riêng vốn đăng ký cấp mới, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 472,4 triệu USD, chiếm 5,3%. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  đăng ký vào ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 685,7 triệu USD, chiếm 5,1%.

Báo cáo cũng cho thấy, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022 trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm ngoái (2022), số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, tăng gần 11%; số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1721 doanh nghiệp, tăng 102%.

Các chuyên gia cho rằng, những “con số biết nói” về số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp ngành bất động sản đang phải trải qua. 

Thị trường bất động sản thời gian qua được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách của Chính phủ, bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường phát triển. Mặc dù, thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn song tâm lý nhà đầu tư vẫn đang ở thế vô cùng thận trọng. Chính vì vậy, sức mua của thị trường ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự mạnh, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực vẫn là chủ yếu, khó khăn chung vẫn còn “bủa vây” các doanh nghiệp ngành này.

Chưa hết lao đao

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét do các cơ chế, chính sách đang tạo nên những tác động tích cực đối với nguồn cung. Tuy nhiên, xét trên tổng thể trong suốt gần 8 tháng qua, tình hình nguồn cung chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường. Tuy nhiên, ông Đính cũng nhấn mạnh rằng, nguồn cung thị trường với sản phẩm bất động sản không phải là vấn đề có thể giải quyết trong thời gian ngắn được mà cần một khoảng thời gian tương đối.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Ảnh VARS

Dữ liệu từ Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) với các Hội viên là sàn giao dịch bất động sản cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Khảo sát cho thấy, nếu tình hình khó khăn trên thị trường tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023, nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. 

Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bất động sản Việt Nam cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài duy trì sự quan tâm với các tên tuổi ngoại đang nổi lên qua các thương vụ M&A là: Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail... Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Một số thương vụ đã tách riêng doanh nghiệp dự án để đối tác ngoại mua đứt. Tuy vậy, nhà đầu tư trên thị trường vẫn còn gặp nhiều thử thách trong việc tìm kiếm những cơ hội chất lượng tốt, đo đó đã hạn chế khả năng “xuống tiền”.

Kỳ vọng đảo chiều

Khó khăn vẫn hiện hữu, tương lai còn mờ mịt song thị trường bất động sản vẫn có những điểm sáng được kì vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi vào cuối năm nay. Ảnh Công luận 

Khó khăn vẫn hiện hữu, tương lai còn mờ mịt song thị trường bất động sản vẫn có những điểm sáng được kì vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi vào cuối năm nay. Thứ nhất, lãi suất cho vay tiếp tục đà giảm hỗ trợ rất tốt cho người mua bất động sản. Thứ hai, các chính sách tháo gỡ pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đã bắt đầu dần có hiệu lực. Thứ ba, giải ngân đầu tư công với nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm lớn trên cả nước triển khai rầm rộ (như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đường Vành đai 4 ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...) đã có tác động tích cực cho thị trường. Thứ tư, tăng trưởng kinh tế vĩ mô khá ổn định dù GDP tăng không mạnh cũng góp phần tạo ra điểm sang cho thị trường phục hồi.

Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa - ông Trần Khánh Quang cho rằng, nếu các chính sách làm tan khối băng bất động sản như chứng khoán tăng trưởng ổn định, lãi suất huy động giảm sâu, lãi suất cho vay điều chỉnh thực chất,… sẽ góp phần làm tan bang cho thị trường. Ông Quang dự kiến, thị trường từ quý IV/2023 trở đi mới có thể tan từng chút một khi các yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện đầy đủ.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho rằng, thị trường bất động sản thường có các giai đoạn như phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Thị trường bất động sản thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn song ở góc nhìn tích cực hơn đã có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Bà Trang Bùi kỳ vọng, trong giai đoạn 2024 – 2026, khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài và trong nước.