Hà Nội sẽ thưởng tới 500 triệu đồng nếu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

UBND TP Hà Nội cho biết, việc bồi thường về đất đai trên địa bàn thành phố sẽ chủ yếu được thực hiện bằng tiền. Các tổ chức, cá nhân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ sẽ được thưởng tối đa 500 triệu đồng/tổ chức và 5 triệu đồng/cá nhân.

UBND TP Hà Nội vừa ban hàng quyết định quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/9.

Công tác bồi thường chủ yếu được thực hiện bằng tiền

Theo quyết định này, việc bồi thường về đất trên địa bàn thành phố chủ yếu được thực hiện bằng tiền. Trong các trường hợp người dân bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc phần diện tích còn lại nhỏ hơn mức tối thiểu được tách thửa và không còn chỗ ở nào khác sẽ được giao đất ở, bán nhà tái định cư hoặc nhận bồi thường bằng tiền.

Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, quy định mức bồi thường chi phí đầu tư còn lại của đất trồng lúa nước là 50.000 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm là 35.000 đồng/m2. Mức bồi thường tối đa cho mỗi người sử dụng đất không vượt quá 250 triệu đồng. Đối với đất phi nông nghiệp, mức bồi thường là 35.000 đồng/m2.

giai-phong-mat-bang-1725713752.jpg

Hà Nội vừa có quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

Cùng với đó, nhà và các công trình xây dựng gắn liền với đất khi bị thu hồi, tỷ lệ bồi thường là 60% giá trị hiện có của công trình; đối với các công trình không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, các đơn vị liên quan sẽ thẩm định, lập hồ sơ thiết kế phù hợp để tính toán mức bồi thường chính xác.

Trong trường hợp phải di dờ mồ mả, sẽ được bồi thường theo đơn giá do UBND thành phố quy định. Nếu gia đình tự lo đất để di chuyển, ngoài chi phí bồi thường sẽ nhận thêm hỗ trợ 10 triệu đồng/mộ; trường hợp mộ vô chủ, đơn vị bồi thường sẽ kết hợp với các tổ chức liên quan để thực hiện di chuyển.

Ngoài ra, người dân bị thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi thành phố sẽ được bồi thường 10 triệu đồng/người, chuyển sang khu vực khác sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/người. Đối với các tổ chức, chi phí tháo dỡ, di chuyển máy móc và tài sản sẽ được lập dự toán, phê duyệt theo thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Nhằm khuyến khích việc giao mặt bằng đúng tiến độ, góp phần bảo đảm tiện độ các dự án phát triển hạ tầng, Hà Nội đã đề ra các mức thưởng. Theo đó, với chủ sở hữu đất nông nghiệp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện bồi thường về đất mà bàn giao đúng tiến độ sẽ được thưởng 3.000 đồng/m2, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người sử dụng đất.

Đối với nhà ở, đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất nhưng phải phá dỡ toàn bộ công trình trên đất, nếu di chuyển và bàn giao mặt bằng trước thời hạn 16 ngày hoặc nhiều hơn sẽ được thưởng 5 triệu đồng/người, 4 triệu đồng/người nếu bàn giao trong phạm vị 15 ngày trước hạn, 3 triệu đồng nếu bàn giao đúng ngày quy định…

Đối với các tổ chức, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ sẽ được thưởng 10.000 đồng/m2 đất có nhà xưởng hoặc nhà làm việc. Mức thưởng tối đa không vượt quá 500 triệu đồng và tối thiểu 5 triệu đồng/tổ chức.

Giải phóng mặt bằng là "then chốt" trong tiến độ các dự án

TS. Lê Chính Trực – Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có diện tích tự nhiên 3.359,8km2 với quy mô dân số dự kiến năm 2045 là 14,6 triệu người sẽ hình thành đô thị cực lớn. Do vậy, việc phát triển hạ tầng liên quan đến giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng, giảm khoảng cách đi lại nữa nơi ở với nơi làm việc, giảm đô thị hóa tràn lan, tránh ùn tắc, ô nhiễm môi trường…Để làm được điều này phải thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

boi-thuong-1725713808.jpg

Nhiều dự án chưa nhận được sự đồng thuận của người dân về phương án bồi thường

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức cho rằng, xét về nhiều góc độ, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đều chịu chung cảnh chậm và khó.Chậm vì vướng các thủ tục và quy trình đầu tư nhiều bước, chậm vì phải xác định nguồn gốc đất và đặc biệt là chậm vì cơ chế phối hợp và thẩm quyền xử lý phân tán, công tác bồi thường chưa đạt được sự đồng thuận cao của người dân.

Trong thời gian qua, nhiều người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn TP Hà Nội đã có những phản ánh liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các dự án hạ tầng. Đơn cử, dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, người dân tại khu vực này cho rằng, mức giá bồi thường chưa sát với thực tế, không có sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương và các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Hay trường hợp các hộ dân tại xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn cũng có những phản ánh liên quan đến việc không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ Khu xử lý chất thải Sóc Sơn kết hợp trồng cây xanh, cải tạo hành lang cách ly tại khu vực này.

Theo đó, khi nhận được dự thảo phương án chi tiết các mức bồi thường, hỗ trợ và tái định của của UBND huyện Sóc Sơn ban hành, phần đất ở của các hộ dân bị di dời đều được kê khai thành đất trồng cây lâu năm, đất vườn ao chứ không có đền bù, bồi thường về đất ở. Cũng vì những lý do này mà người dân ở đât đều không được cấp đất tái định cư, chỉ nhận được bồi thường 78 nghìn đồng/m2.