Vụ chung cư mini nứt cột: Chủ đầu tư bị tố vô trách nhiệm, luật sư nêu quan điểm gì về bồi thường?

Theo luật sư, tuy pháp luật ưu tiên phương án cư dân tự lo chỗ ở và chủ đầu tư sẽ phải chi trả tiền thuê và các chi phí phát sinh. Nhưng nếu phương án bồi thường không chi tiết, rõ ràng sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp.

Chủ đầu tư bị tố vô trách nhiệm

Liên quan đến vụ chung cư mini (CCMN) số 22B, ngách 236/17 Khương Đình (Hạ Đình, Thanh Xuân) nứt cột, khiến toàn bộ hộ dân sinh sống trong tòa nhà phải di dời khẩn cấp. Nhưng cho đến thời điểm này, sự cố vẫn chưa được khắc phục xong, nhiều gia đình vẫn phải sống cảnh nhà thuê hoặc ở nhờ nhà người thân. Không ít cư dân bày tỏ sự bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chia sẻ với Đô Thị Mới, chị Nguyễn Thị Hồng (cư dân có căn hộ ở tầng 3, CCMN 22B) cho biết: Trước đây, chủ đầu tư nói khắc phục sự cố trong 2 tháng nên cư dân chỉ thuê nhà tạm trong thời gian này. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 tháng, tòa nhà vẫn chưa được tiến hành sửa chữa, cho nên chúng tôi lại phải gia hạn hợp đồng thuê hoặc đi tìm chỗ mới.

Cũng theo chị Hồng, giữa tháng 4 vừa qua, cư dân đã có cuộc hợp với UBND phường Hạ Đình về phương án khắc phục sự cố. Tại đây, đại diện UBND phường Hạ Đình cho rằng, trên lý thuyết sẽ mất gần 6 tháng để khắc phục nhưng thực tế thì chưa thể đoán định được.

Đến cuối tháng 4, UBND phường Hạ Đình, cư dân và  chủ đầu tư chuẩn bị bước vào cuộc họp 3 bên. Tuy nhiên, cuộc họp bị hủy vào phút chót vì phía chủ đầu tư bỏ về. Điều này khiến cư dân vô cùng hụt hẫng, thất vọng với thái độ của chủ đầu tư.

chung-cu-mini-nut-cot-1715255616.png
Cuộc họp giữa UBND phường Hạ Đình, chủ đầu tư và cư dân bị hủy vào phút chót vì phía chủ đầu tư bỏ về.

Điều đáng nói, từ khi sự cố nứt cột xảy ra đến nay, ngoài khoản tiền 2 triệu đồng hỗ trợ các hộ thuê xe, di chuyển đồ đạc thì chủ đầu tư chưa có bất cứ liên hệ hay phát ngôn nào đảm bảo trách nhiệm đối với cư dân. Do đó, nhiều gia đình đang phải chật vật xoay xở tiền thuê nhà và nhiều chi phí phát sinh.

Phải có phương án bồi thường chi tiết

Trao đổi về vấn đề của cư dân CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình đang gặp phải với Đô Thị Mới, luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 20, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014; Khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở 2014; Khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2016/TT-BXD; Điều 29 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, …) thì bên bán nhà, công trình xây dựng nói chung và chủ đầu tư dự án chung cư nói riêng sẽ phải có trách nhiệm sửa chữa khi nhà chung cư bị hư hỏng.

Đồng thời, khi nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại thì chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm chi trả chi phí thuê nhà ở và các chi phí khác (nếu có) cho chủ sở hữu căn hộ chung cư trong thời gian thực hiện.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu chủ sở hữu tự lo được chỗ ở, thì chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả chi phí thuê nhà ở và các chi phí khác (nếu có).

chung-cu-mini-nut-cot-1715255433.png
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ cho rằng, khi tòa nhà có sự cố, nếu chủ sở hữu tự lo được chỗ ở, thì chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả chi phí thuê nhà ở và các chi phí khác.

Trong trường hợp chủ sở hữu không thể tự lo được chỗ ở, thì UBND cấp tỉnh nơi có dự án phối hợp với chủ đầu tư bố trí chỗ ở tạm cho các chủ sở hữu. Đồng thời, chỗ ở tạm thời này phải bảo đảm thuận tiện cho sinh hoạt của các chủ sở hữu, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng,…

Vấn đề đặt ra ở đây, tuy pháp luật đã ưu tiên phương án chủ sở hữu tự lo chỗ ở và chủ đầu tư sẽ phải chi trả chi phí thuê nhà ở, và các chi phí khác. Nhưng nếu phương án bồi thường không chi tiết, rõ ràng thì rất dễ xảy ra tranh chấp.

Ví dụ như: Chi phí tối đa được chi trả cho chỗ ở mà chủ sở hữu tự lo là bao nhiêu? Thời gian thuê nhà tối đa được chi trả là bao lâu? Các chi phí khác là những chi phí gì?...

chung-cu-mini-nut-cot-1713175237-1715255434.png
 
chung-cuw-mini-1713175522-1715255434.png
Nhiều hộ dân hiện đang phải gồng gánh tiền thuê nhà và nhiều phí phát sinh khác.

Ngoài những khoản chi phí này, thì nỗi lo của chủ sở hữu là không biết khi nào được quay trở lại căn hộ của mình? Nếu việc di chuyển chỗ ở làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, thời gian đi làm, con phải chuyển nơi học tập,… thì có được bồi thường hay không?

Do đó, luật sư Vũ cho rằng chủ đầu tư cần đối thoại trực tiếp với cư dân sớm nhất để có thể tìm ra phương án hỗ trợ hợp lý cho cả hai bên. Thông qua đó thể hiện sự nhân văn và trách nhiệm của chủ đầu tư. Bởi trong trường hợp chung cư mini nứt cột, người thiệt thòi nhất vẫn là cư dân…

Như Đô Thị Mới đã phản ánh, dịp Giáp Tết Nguyên đán 2024, cư dân CCMN số 22B trong ngách 236/17 Khương Đình phát hiện hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa nhà ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà.

Tuy lo lắng nhưng 57 hộ dân vẫn sinh hoạt bình thường vì khi ấy đã sắp Tết. Khi nhận thông tin về  sự cố công trình ở số 22B, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình đã cắt cử lực lượng chuyên môn xuống hiện trường để kiểm tra, khảo sát hiện trạng. Sau đó, Ban quản lý CCMN đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành gia cố tạm thời tầng 1 để chống đỡ cho tòa nhà.

Tiếp đó, UBND quận Thanh Xuân có văn bản khuyến cáo, đề nghị người dân di dời để đảm bảo an toàn và tìm phương án khắc phục. Đêm 23/2 đến ngày 24/2, các hộ dân đã khẩn cấp di dời khỏi tòa nhà.

Sau đó, UBND TP Hà Nội có công văn giao UBND quận Thanh Xuân cho ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn; hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời.

Mới đây, UBND quận Thanh Xuân xác nhận, CCMN nói trên được cấp phép xây dựng vào tháng 9/2016 với quy mô 5 tầng, chưa bao gồm tầng lửng và tum thang. Tuy nhiên hiện trạng công trình được xây là 8 tầng. Như vậy, CCMN này đang xây dựng vượt phép 3 tầng.