Vụ chung cư mini nứt cột: Chủ đầu tư trễ hẹn khắc phục sự cố, cư dân chật vật vì áp lực thuê nhà

Ngoài việc được chủ đầu tư hỗ trợ tiền di dời đồ đạc thì cư dân chung cư mini ở số 22B, ngách 236/17 Khương Đình (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) không nhận được bất cứ khoản chi phí nào khác. Việc này khiến họ phải chật vật vì áp lực chi trả tiền thuê trọ ngày càng đắt đỏ.

Chật vật vì áp lực thuê nhà

Ngày 24/2, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng và gần 60 hộ dân tại chung cư mini (CCMN) số 22B, ngách 236/17 Khương Hạ (Hạ Đình, Thanh Xuân) đang chuẩn bị ăn Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), thì được yêu cầu di dời khẩn cấp. Nguyên nhân là do một số cột bê tông ở tầng 1 của tòa nhà này bị nứt toác nghiêm trọng.

Thời điểm ấy, phía chủ đầu tư (CĐT) hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ đang sở hữu nhà và 1 triệu đồng/hộ đang thuê trọ để di dời đồ đạc. Đồng thời, CĐT hứa với cư dân sẽ khắc phục sự cố trong vòng 1 tháng để mọi người có thể chuyển về lại.

Nghe vậy, gia đình chị Hồng đã thuê tạm một căn phòng trọ nhỏ với giá 2,7 triệu đồng/tháng, đặt cọc 1 tháng tiền nhà để lấy chỗ cho gia đình 6 người tá túc. Chị Hồng nói với chủ nhà sẽ thuê 1 tháng vì tin tắc sự cố sẽ nhanh chóng được khắc phục.

chung-cu-mini-nut-cot-1713175237.png

Căn nhà trọ chật hẹp là nơi gia đình (6 người) của chị Nguyễn Thị Hồng đang sinh sống

Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, tòa CCMN vẫn chưa có dấu hiệu được khắc phục xong. Việc này khiến chị Hồng và nhiều cư dân phải gia hạn thêm thời gian thuê trọ.

Chia sẻ với Đô Thị Mới, chị Hồng ngậm ngùi chia sẻ: “Nơi tôi thuê là một căn phòng trọ nhỏ có gác xép, không gian khá bức bí, chật chội. Hiện tại, kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng vì tôi mới sinh cháu thứ ba, chưa đi làm được, hai cháu lớn thì vẫn còn đi học. Bà ngoại ở cùng giờ đã hơn 70 tuổi, sức khỏe yếu nên cũng không đỡ đần được nhiều. Nếu tình hình kéo dài tiếp, sợ gia đình tôi sẽ không trụ được nữa”.

Cũng theo chị Hồng, đi thuê nhà mới thấm thía cảnh tiền thuê đắt một thì tiền điện, nước đắt gấp nhiều lần. Bởi riêng nửa tháng đầu tiên, chị đã phải trả hơn 1 triệu đồng tiền điện. Chưa nói đến những khoản chi phí dành cho sinh hoạt, ăn uống, bỉm, sữa của các con. Hiện đã đến hạn đóng tiền nhà tháng tiếp theo nhưng chị chưa biết xoay xở ở đâu vì tiền thuê tháng trước vẫn đang phải khất nợ.

chung-cuw-mini-1713175522.png
Do nhà thuê quá chật hẹp nên gia đình chị Hồng phải ưu tiên cho mẹ già và các con nhỏ nằm trên phản trải nệm, còn vợ chồng chị nằm đất.

Tương tự hoàn cảnh của chị Hồng, chia sẻ với Đô Thị Mới, anh Lê Thế Cường - Trưởng Ban đại diện cư dân CCMN số 22B, ngách 236/17 Khương Đình cho biết, gia đình anh cũng đang chật vật với việc thuê nhà ở tạm sau sự cố nứt cột.

“Từ hôm phải di dời khỏi tòa CCMN, tôi sang ở nhờ nhà chị gái, còn bố mẹ tôi muốn có không gian yên tĩnh nên đã chọn phương án thuê nhà với giá 5 triệu đồng/tháng. Năm nay suy thoái kinh tế, công việc của tôi cũng không được ổn định, do đó việc phải chi trả quá nửa tiền lương cho thuê nhà khiến tôi vô cùng áp lực”, anh Cường nói.

Cũng theo anh Cường, đơn vị giám định hiện đã làm xong đề cương, dự toán nhưng vẫn đang trao đổi, thống nhất với UBND quận Thanh Xuân trước khi thông báo ký hợp đồng sửa chữa tòa CCMN. Tuy nhiên, các hộ dân phải xác định tinh thần trước vì việc sửa chữa tòa nhà có thể kéo dài, thậm chí đến cuối năm 2024.

Chủ đầu tư lỡ hẹn

Như Đô Thị Mới đã phản ánh, dịp Giáp Tết Nguyên đán 2024, cư dân CCMN số 22B trong ngách 236/17 Khương Đình phát hiện hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa nhà ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà.

Tuy lo lắng nhưng 57 hộ dân vẫn sinh hoạt bình thường vì khi ấy sắp Tết, không biết chuyển đi đâu. Khi nhận thông tin về  sự cố công trình ở số 22B, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình đã cắt cử lực lượng chuyên môn xuống hiện trường để kiểm tra, khảo sát hiện trạng. Sau đó, Ban quản lý CCMN đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành gia cố tạm thời tầng 1 để chống đỡ cho tòa nhà.

z5191352599875-03b1e9273aaae37667c9e7a55895a899-1072-25022024195256-13-1713175236.jpg
Hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa CCMN ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà nên toàn bộ cư dân phải di dời khẩn cấp.

Tiếp đó, UBND quận Thanh Xuân có văn bản khuyến cáo, đề nghị người dân di dời để đảm bảo an toàn và tìm phương án khắc phục. Đêm 23/2 đến ngày 24/2, các hộ dân đã khẩn cấp di dời khỏi tòa nhà.

Sau đó, UBND TP Hà Nội có công văn giao UBND quận Thanh Xuân cho ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn; hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời.

Theo biên bản cuộc họp giữa cư dân và chủ đầu tư (CĐT) CCMN là bà Phạm Thị Vân Anh, ông Nguyễn Thạc Hoàng, cùng các hộ dân đã thống nhất phương án xử lý sự cố nứt với toàn bộ trách nhiệm, chi phí sửa chữa thuộc về phía CĐT. Đồng thời, phía CĐT sẽ cắt cử người giám sát thi công trong vòng 30 ngày. Sau 30 ngày mà sự cố vẫn chưa khắc phục xong thì đơn vị thi công sẽ phải chịu phạt.

Tuy nhiên, theo các cư dân, hiện tại dù đã trễ hẹn nhưng phía CĐT vẫn chưa có bất kì động thái nào hỗ trợ hay phúc đáp liên quan đến việc khắc phục sự cố.

ce719ccefd2a5074093b74-25022024195313-13-1713175685.png

Dù đã trễ hẹn nhưng phía CĐT chưa có bất kì động thái nào hỗ trợ hay phúc đáp người dân liên quan đến việc khắc phục sự cố.

Mới đây, UBND quận Thanh Xuân xác nhận, CCMN nói trên được cấp phép xây dựng vào tháng 9/2016 với quy mô 5 tầng, chưa bao gồm tầng lửng và tum thang. Tuy nhiên hiện trạng công trình được xây là 8 tầng, trừ tum thang. Như vậy, chung cư mini này đang xây dựng vượt phép 3 tầng.

 Dự kiến, ngày mai (16/4), đại diện cư dân CCMN sẽ đến làm việc với UBND phường Hạ Đình để trao đổi về phương án, tiến độ khắc phục sự cố. Ai cũng mong muốn được nhanh chóng trở về căn nhà của mình, chấm dứt những tháng ngày thuê trọ tạm bợ.